Theo Ủy ban Nhân dân huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến nay, chương trình đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển, an ninh trật tự được ổn định, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tăng.
Đường giao thông nông thôn ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo hôm nay. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện Phú Giáo có 10/10 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới. Tại các xã được công nhận đạt chuẩn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của 10/10 xã đến cuối năm 2019 đã đạt gần 60 triệu đồng/ người/năm.
Theo ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), từ phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân được thụ hưởng rất nhiều, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đến tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của hợp tác xã đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt từ 9 đến 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân từ 6 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế của huyện Phú Giáo đã có chuyển biến rõ rệt, sản xuất nông nghiệp dần theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, chăn nuôi; đã có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao mang lại lợi ích kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Cơ sở hạ tầng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt hệ thống đường giao thông, điện, trạm y tế, trường học… đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.
Quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới được Đại hội Đảng bộ huyện khóa IV, nhiệm kỳ qua xác định là nhiệm ưu tiên đặt lên hàng đầu và đưa vào nghị quyết và được cụ thể hóa bằng chương trình hành động “Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, huyện Phú Giáo đã chỉ đạo các ngành và địa phương rà soát xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, nghị quyết gắn với nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy và triển khai chính sách hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, vốn vay.
Từ đó hình thành các mô hình kinh tế kiểu mẫu và tạo sự lan tỏa trong nhân dân. Đến nay, ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo tiếp tục phát triển đúng định hướng, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp năm 2019 đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm trên 5,5%.
Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Phú Giáo cho biết, thời gian qua người dân đã tiếp cận hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của huyện triển khai, đặc biệt ở Phú Giáo công tác an sinh xã hội không chỉ thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, khu phố, mà còn có sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong công tác xã hội hóa lĩnh vực giảm nghèo.
Giai đoạn 2016-2020, huyện đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh Phú Giáo chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội làm dịch vụ ủy thác, thực hiện công tác bình xét cho vay, giải ngân và quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Theo đó, toàn huyện đã giải ngân hơn 440 tỷ đồng cho trên 15 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Từ nguồn vốn nêu trên, huyện Phú Giáo đã hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề cho 2.500 lượt hộ nghèo. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống./..