Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ từ thành phố đến cơ sở.
Tuyến đường Yên Viên - Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) được đầu tư đồng bộ, cây xanh, vỉa hè thoát nước, chiếu sáng. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN
Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Hà Nội đã huy động được gần 56.513 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay để triển khai chương trình; trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước lên tới gần 4.813 tỷ đồng.
Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã có 6 huyện được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm.
Ngoài ra, đến hết năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 353/382 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.
Mới đây, vào đầu tháng 8/2020, thành phố Hà Nội đã có quyết định về công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2020 (đợt 1) cho các xã Yên Viên, Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (đợt 1) cho các xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) và Minh Phú (huyện Sóc Sơn).
Các xã Yên Viên, Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Các xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) và Minh Phú (huyện Sóc Sơn) được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện.
Đối với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao đến nay, Hà Nội đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao do UBND thành phố Hà Nội công nhận. Trước đó, đến cuối năm 2019, Hà Nội có 11 xã đã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
UBND huyện Gia Lâm có trách nhiệm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đã đạt theo quy định. UBND các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn có trách nhiệm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới đã đạt theo quy định.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có bắt đầu nhưng không có kết thúc. Trong định hướng, Hà Nội phấn đấu nông thôn mới nâng cao sẽ trở thành đại trà. Còn đối với nông thôn mới kiểu mẫu thì tùy từng địa phương mà có những mô hình khác nhau, nhưng mục tiêu cốt lõi vẫn là nâng cao đời sống cho người dân.