Để hoàn thành mục tiêu từ nay đến cuối năm Hà Nội có thêm 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, các địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để có thể cán đích theo kế hoạch.
Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn khang trang, sạch đẹp nhờ thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Ảnh: Thiện Tâm.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay Hà Nội có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2020 này, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng công nhận cho 6 huyện, thị xã gồm: Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, thành phố Hà Nội phấn đấu sẽ có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để chào mừng Đại hội Đảng.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, sau khi hoàn thành sáp nhập các xã không đủ tiêu chí, huyện Phúc Thọ hiện có 20/20 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua rà soát đánh giá các tiêu chí, toàn huyện hiện có 11 tiêu chí đạt ở 20/20 xã bao gồm các tiêu chí: Thủy lợi, điện, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, thu nhập, giáo dục, an ninh trật tự và 8 tiêu chí cơ bản đạt ở các xã đã được công nhận theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020.Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tính đến cuối năm 2019 là 1,14%; tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 88,5%. Đối với việc triển khai các tiêu chí đánh giá huyện nông thôn mới, qua rà soát, huyện Phúc Thọ đã có 6/9 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện nâng cao các tiêu chí cơ bản đạt gồm tiêu chí giao thông, tiêu chí văn hóa- giáo dục- y tế và tiêu chí môi trường và sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phúc Thọ đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, Bí thư Thị ủy Sơn Tây, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có thêm 2 xã của huyện Gia Lâm đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã của huyện Phú Xuyên, 1 xã của huyện Sóc Sơn đủ điều kiện hoàn thành xã nông thôn mới. Các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2020. Như vậy, đến nay, Thành phố có 353/382 xã (đạt tỷ lệ 92,4%) đã được công nhận. Trong số đó có 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã Sơn Tây đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Để có thể hoàn thành mục tiêu này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu trong năm nay Thành phố có 8 huyện đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đối với 6 huyện: Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Sơn Tây, Thạch Thất, Phú Xuyên cần tập trung cao để hoàn thành huyện nông thôn mới. Khó khăn nhất là tiêu chí về trường đạt chuẩn, vì vậy đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các quận chung tay góp sức giúp đỡ các huyện hoàn thành tiêu chí. Ưu tiên hỗ trợ cho 6 huyện này trước. Sang năm đầu tư tiếp cho các huyện còn lại.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, thành phố Hà Nội đã bố trí nguồn ngân sách hơn 4.680 tỷ đồng cho các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới.
Đối với nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương phải tập trung vào tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo; hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận động nhân dân sử dụng nước sạch đối với các vùng đã có mạng lưới nước sạch...
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nguồn lao động cho nông nghiệp, như thu hút lực lượng lao động mất việc do dịch Covid-19 trở về địa phương, thanh niên tình nguyện, kỹ sư, cử nhân… có chuyên môn về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của Thành phố về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi,... Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập.
Phát huy thế mạnh lợi thế của từng địa phương, có giải pháp định hướng đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, giảm sức lao động cho người dân; làm tốt việc phát triển thị trường, tìm kiếm thị trường mới cho nông dân, tạo cơ hội mới cho sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.