Nhờ thực hiện chương trình 02 của Thành ủy, đến nay đời sống của người dân khu vực nông thôn đã được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm.
Nhờ thực hiện chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy nên kinh tế nông nghiệp đã phát triển,
góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Ảnh: Thiện Tâm.
Cụ thể, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, hiện nay đời sống của nông dân đã không ngừng được cải thiện và nâng cao. Điển hình trên địa bàn Thành phố có một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng, Đông Anh 60 triệu đồng, Hoài Đức 55 triệu đồng, Đan Phượng có 53,8 triệu đồng… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 88,3%. Có 100% số xã kết nối internet và hầu hết các hộ có điện thoại.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69%. Trong đó huyện Đông Anh, Gia Lâm không còn hộ nghèo; một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Hoài Đức 0,05%; Đan Phượng 0,14%; Quốc Oai 0,22%... Công tác Giáo dục và Đào tạo được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được tiến hành một cách thực chất tại các huyện, thị xã với cả 3 cấp học.
Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố đã triển khai thực hiện mô hình địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh tại cộng đồng; tổ chức các cuộc tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống xâm hại, lạm dụng trẻ em; phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em…
Ngoài ra, công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp được các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Đời sống tinh thần, các địa phương trong thời gian qua tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng gia đình văn hóa, Làng văn hóa theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững. Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, cải tạo về cơ sở vật chất, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được các địa phương nghiêm túc triển khai đạt kết quả tốt.