Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Cùng tham gia buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Bùi Huyền Mai; lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.
Phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2020
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, xác định ý nghĩa đặc biệt của năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm, với chủ đề: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; huy động cao độ các nguồn lực đầu tư hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; triển khai Đề án xây dựng huyện thành quận; tổ chức thành công đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và đề ra 2 khâu đột phá là: Nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB, quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Bám sát các chỉ đạo của Thành phố và những định hướng của huyện, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với triển khai toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là triển khai sản xuất gieo trồng vụ Xuân gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện cũng tập trung triển khai các dự án lớn, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 công trình; hoàn thành GPMB 15 dự án với diện tích trên 132 nghìn m2, số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, Đan Phượng đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trong năm nay toàn bộ 15/15 xã sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, trong quý I/2020, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 134,347 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán Thành phố giao.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đan Phượng đã triển khai toàn diện các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Thành phố; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khử khuẩn, vệ sinh môi trường, rà soát, giám sát, cách ly... Tính đến ngày 4/5/2020, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19. Huyện cũng triển khai chi hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng số 12.110 người, tổng số tiền trên 14,2 tỷ đồng.
Về tiến độ tổ chức đại hội đảng các cấp, đến nay 288/288 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trên địa bàn huyện đã tổ chức thành công đại hội (xong trước ngày 15/01/2020). Toàn huyện cũng có 9/40 đảng bộ, chi bộ cơ sở tổ chức xong đại hội (trong đó, có 3 đại hội điểm). Công tác chuẩn bị tổ chức đại hội chi, đảng bộ cơ sở còn lại đang được tiến hành khẩn trương, hầu hết đã hoàn thành xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, chương trình hành động... phấn đấu cơ bản hoàn thành đại hội cấp cơ sở trong tháng 5/2020.
Tập trung phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nêu 4 nhóm kiến nghị, với 13 nội dung cụ thể. Trong đó, kiến nghị Thành phố quan tâm đầu tư 6 dự án giao thông với chiều dài 24,2km, tổng kinh phí trên 6.146 tỷ đồng; sớm phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 417 (giai đoạn 2) và tỉnh lộ 422, đê Tả Đáy, đê Tiên Tân, đê La Thạch; chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ Nhà máy nước mặt sông Hồng; sớm đầu tư bãi chất thải rắn tại xã Trung Châu...
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, Đan Phượng là địa phương có nhiều điểm sáng của Thành phố; là nơi có truyền thống cách mạng, quê hương của phong trào “Ba đảm đang”; huyện duy nhất của Thành phố có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; một trong những huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực nhất, đến nay, nông nghiệp còn 5,5%, trong khi dịch vụ rất phát triển... Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, yêu cầu đặt ra đến năm 2025 phát triển thành quận, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nêu lên những thách thức, khó khăn đối với huyện, nhất là về nhân lực, cơ sở hạ tầng. Theo đó, huyện cần phải quan tâm hơn đến vấn đề quản lý đô thị; nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ từ xã đến huyện; tập trung giải quyết những tồn tại, nhất là trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng để không tiềm ẩn phức tạp về an ninh nông thôn. Ngoài ra, huyện cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, quản lý tài nguyên; chuyển dịch sản xuất trong nông nghiệp...
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho rằng, để thực hiện mục tiêu lên quận thì ngay từ bây giờ, huyện Đan Phượng cần tập trung làm thật tốt công tác quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ. Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, để thực hiện các tiêu chí lên quận thì cần có sự hỗ trợ của Thành phố với vai trò “nhạc trưởng” để có sự chỉ đạo thống nhất, đảm bảo các dự án, công trình được đầu tư phải đồng bộ ngay từ đầu...
Xây dựng đô thị phải giữ được bản sắc văn hóa
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của thành viên đoàn công tác và lãnh đạo huyện Đan Phượng, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá: Đan Phượng là huyện ven đô, phía Tây của Thủ đô, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa, 2 lần được đón nhận danh hiệu anh hùng... Năm 2019, huyện đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt cao như: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của huyện Đan Phượng không chỉ là điểm sáng của Thủ đô, mà còn của cả nước.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Huyện cũng quan tâm phát triển giáo dục, y tế, dẫn đầu Thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; là địa phương tiên phong trong phát triển y tế xã và triển khai mô hình bác sỹ gia đình. Ngoài ra, huyện cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nội bộ đoàn kết, thống nhất; trong 4 năm qua, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém... An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có vụ việc phức tạp, nổi cộm.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, tốc độ phát triển của huyện có tăng nhưng vẫn dưới tiềm năng, trong khi thế mạnh, đầu tàu, chủ lực về kinh tế của huyện chưa rõ; các sản phẩm OCOP của huyện còn ít; việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa nhiều. Ngoài ra, huyện còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đây là những vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm trong bối cảnh huyện đô thị hóa, phấn đấu để lên quận. Từ những vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ lưu ý đội ngũ cán bộ huyện cần tránh tâm lý chủ quan, trì trệ; phải có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, không bằng lòng với những gì đã đạt được...
Nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu huyện Đan Phượng quán triệt tinh thần nới lỏng nhưng không lơi lỏng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; bám sát chỉ đạo của Thành phố, mở mặt trận thứ 2 về phục hồi, phát triển kinh tế. “Tinh thần là phải quyết liệt, bài bản hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn và thông qua đó là dịp để đánh giá, sàng lọc cán bộ”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Huyện cũng cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tái đàn, nhất là đàn lợn để phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 4% trong năm nay. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân, tạo điều kiện để khu vực tư nhân triển khai các dự án, công trình, qua đó, phát sinh nguồn thu. Chú trọng mở thêm các điểm công nghiệp mới và động viên, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu huyện Đan Phượng định vị lại các ngành kinh tế, xác định đâu là chủ lực, đâu là mũi nhọn. Có kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; tổ chức lại sản xuất, thành lập các hợp tác xã kiểu mới...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trao quà của Thành phố cho huyện Đan Phượng
Về công tác tổ chức đại hội đảng các cấp, huyện cần bám sát chỉ đạo của Thành ủy; chuẩn bị tốt công tác cán bộ, đảm bảo các tỷ lệ về cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đặc biệt, huyện cần nghiên cứu, đưa vào báo cáo chính trị nhiệm kỳ tới vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung của huyện. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, trên cơ sở nền tảng của một huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu thì mô hình đô thị của Đan Phượng phải khác với đô thị của các quận nội đô cũ; đó phải là đô thị của tương lai, đô thị thông minh và hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa và những nét đặc trưng riêng. Bí thư Thành ủy cũng giao UBND Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo để thống nhất về vấn đề quy hoạch cũng như các cơ chế, chính sách cho các huyện chuẩn bị lên quận trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy đã trao quà của Thành phố, hỗ trợ huyện 5.000 khẩu trang và 15 máy nhiệt kế hồng ngoại để phòng, chống dịch Covid-19.