Năm nay, huyện Bình Chánh phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn nâng chất theo tiêu chí đặc thù của TP Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo tiền đề nâng cao thu nhập đời sống của người dân, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Sơ chế rau an toàn VietGAP ở Hợp tác xã Phước Bình. Ảnh: TUYẾT ANH
Để làm tốt công tác vận động xây dựng NTM, Ban phát triển ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B luôn gần gũi, chia sẻ, lắng nghe ý kiến người dân, tuyên truyền cho người dân thấy được những lợi ích thiết thực của việc chung tay cùng với chính quyền địa phương xây dựng NTM. Qua đó, các phong trào hiến đất để mở rộng hẻm, đặt cống thoát nước, đổ bê-tông các con đường trong ấp được người dân ủng hộ và đã triển khai đồng loạt. “Phải thực hiện công khai, minh bạch tất cả các kinh phí vận động, các nội dung đã và sẽ thực hiện cho người dân biết, giám sát tại các cuộc họp tổ nhân dân và niêm yết tại Văn phòng ấp”, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Bí thư Chi bộ ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B nói.
Nhờ công khai, minh bạch, Ban phát triển ấp 4A đã vận động người dân đóng góp kinh phí đổ bê-tông và đặt cống thoát nước, dặm vá 10 tuyến hẻm với chiều dài 1.591 m, tổng kinh phí 3 tỷ 620 triệu đồng. Trong đó, những cá nhân, tập thể đã đóng góp tích cực, như gia đình bà Nguyễn Thị Tốt ủng hộ kinh phí trị giá là 400 triệu đồng. Vận động nhân dân tổ 2 ủng hộ kinh phí đặt cống thoát nước và đổ bê-tông tuyến hẻm trong tổ dài 380 m, ngang 4,5 m với kinh phí 970 triệu đồng; người dân tổ 12 ủng hộ kinh phí đặt cống thoát nước với kinh phí 126 triệu đồng, đặt cống và bê-tông hai nhánh ngang dài 200 m, kinh phí 400 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban phát triển ấp 4A cũng tuyên truyền vận động người dân thực hiện trang bị khoảng 850 thùng rác, đăng ký thu gom rác, bỏ rác đúng nơi quy định nhằm góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp... Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng cho biết: “Trước đây, các tuyến hẻm trong ấp chủ yếu là đất đỏ, đá dăm, xà bần… hẻm nhỏ, chưa có cống thoát nước cho nên hay bị ngập khi mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất cho người dân trên địa bàn. Đến nay đường giao thông trong ấp khang trang, được đổ bê-tông, đi lại rất thuận tiện”.
Có thể nói, phong trào xây dựng NTM ở huyện Bình Chánh trong thời gian qua đã tạo sức lan tỏa, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Đến cuối năm 2019, huyện Bình Chánh đã có 12 trong tổng số 14 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí. Đối với 9 tiêu chí huyện NTM, đến nay huyện Bình Chánh đã đạt 8, chỉ còn tiêu chí thứ 7 là môi trường, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao: Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 64 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2015 (năm 2015 là hơn 40 triệu đồng/người/năm) và 3,9 lần so với lúc khởi điểm xây dựng đề án NTM năm 2010 (17,39 triệu đồng/người/năm). Song song đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư cơ bản, như đưa vào sử dụng 426 công trình giao thông, 107 công trình thủy lợi, 79 công trình trường học, 109 công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao cho người dân... bảo đảm và tạo sự thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ và phát triển sản xuất, đời sống tinh thần của người dân. Ngoài ra, trong 10 năm xây dựng NTM, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn 20.860 lượt người, trong đó có 15.837 người được giải quyết việc làm sau học nghề; đã tổ chức giới thiệu và giải quyết việc làm cho 52.133 lao động. Cùng với đó, hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền vận động được 7.630 hộ dân hiến 1.438.612 m2 đất mở rộng các tuyến đường và đóng góp ngày công lao động vào các công trình phục vụ xây dựng NTM với tổng kinh phí 863 tỷ 689 triệu đồng... Đây là những tiền đề quan trọng để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện được kéo giảm, năm 2019 hộ nghèo chỉ còn 123 hộ, chiếm tỷ lệ 0,06% so với năm 2010 là 11.938 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,5%.
Để thực hiện thành công NTM giai đoạn nâng cao chất lượng ngay trong năm nay, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết, huyện sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, thành phố đẩy mạnh việc hỗ trợ, phát triển hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến hiện đại phù hợp tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất trên địa bàn. Lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, có giải pháp đẩy mạnh phong trào “Mỗi tuần dành 15 phút dọn vệ sinh nhà cửa, sân vườn và đoạn đường trước nhà tại hộ gia đình”, mỗi xã hoàn thành xây dựng thí điểm “Một khu dân cư có cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”, tiếp tục thực hiện hoàn thành đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện… để hoàn thành tiêu chí thứ 7 về môi trường.