Theo lộ trình năm 2020 thành phố Hà Giang (TPHG) sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM); để đạt được mục tiêu đó, hiện tại cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đã, đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu, nội dung, tiêu chí trong xây dựng NTM.
Một góc thành phố Hà Giang.
Đồng chí Nguyễn Thị Út, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TPHG cho biết: Trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, xây dựng NTM phải gắn liền với nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Thời gian qua, TPHG đã chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh - dịch vụ tổng hợp. Đặc biệt ở khu vực nông thôn đã triển khai phát triển, nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi theo quy mô gia trại, bán trang trại tiêu biểu có hộ ông Nguyễn Văn Đỉnh, thôn Tha, xã Phương Độ quy mô 10 con lợn nái và 140 con lợn thịt/lứa, sản lượng lợn thịt thương phẩm 14 tấn/lứa, doanh thu bình quân 770 triệu đồng; mô hình chăn nuôi vịt bầu cổ ngắn thương phẩm tại thôn Tân Tiến, xã Phương Độ với 20 hộ dân tham gia, quy mô 2.000 con/lứa, doanh thu 440 triệu đồng; mô hình nuôi lợn, gà thương phẩm của gia đình bà Lưu Thị Uyên, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường quy mô 250 con lợn thịt và 2.500 con bà/lứa với tổng doanh thu trên 1,6 tỷ đồng/năm.
Cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tổng hợp, TPHG chỉ đạo tập trung phát triển, củng cố các hợp tác xã (HTX) điển hình như HTX sản xuất và phân phối bánh chưng gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, với 40 thành viên tham gia, doanh thu bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 412 triệu đồng/năm và đã giải quyết việc làm cho 50 - 70 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân của các thành viên đạt 4,25 triệu đồng/người/tháng; HTX chế biến chè Hòa An, thuộc tổ 9, xã Phương Độ, lĩnh vực hoạt động là sản xuất chế biến chè đen và chè vàng với 8 thành viên tham gia, sản lượng đạt 50 tấn/năm và đã giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập đạt 5 - 7 triệu đồng/người/tháng…, qua đó nâng mức thu nhập bình quân đầu người của TPHG hết năm 2019 đạt 52,68 triệu đồng/năm; riêng đối với thu nhập bình quân theo đầu người của người dân 3 xã Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ đạt 35,89 triệu đồng/năm (mức chuẩn quy định 33 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo không thuộc bảo trợ xã hội năm 2019 của 3 xã trên thấp hơn mức quy định (12%), cụ thể xã Ngọc Đường là 0,12%, xã Phương Thiện 0,8%, xã Phương Độ 0,46%...
Mới đây, đoàn kiểm tra của Văn phòng điều phối xây dựng NTM của T.Ư lên khảo sát thực tế tại TPHG đã ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời của tỉnh để TPHG có được hệ thống các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông được sửa chữa, nâng cấp và làm mới trên 110 km, với tổng kinh phí 165,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư, tỉnh 37,6 tỷ đồng, kinh phí thành phố 108,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất không đền bù làm đường 19,9 tỷ đồng. Đến nay, hệ thống đường giao thông của TPHG đều được cứng hóa, có đường ô tô đến 100% thôn, xóm với tính kết nối cao tạo thuận lợi cho việc giao thương thuận tiện. Công tác thu gom, xử lý chất thải được quan tâm, thực hiện thường xuyên, ở các xã ven thành phố đã tổ chức thực hiện việc huy động người dân tham gia xây dựng lò đốt giác mini, dọn dẹp vệ sinh môi trường làm cho bộ mặt của thành phố gọn gàng ngăn nắp, khang trang sạch đẹp. Đặc biệt về phía tỉnh và TPHG cũng đã cam kết với Hội đồng thẩm định NTM T.Ư sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với nhà đầu tư để hoàn tất thủ tục, xác định lộ trình xây dựng, đưa nhà máy xử lý rác thải của TPHG vào sử dụng và đóng cửa khu xử lý rác thải đã quá tải theo quy định…
Với sự triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo các tiêu chí, nội dung xây dựng NTM của TPHG theo đúng cam kết, khuyến nghị của Văn phòng điều phối NTM T.Ư, TPHG sẽ sớm được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.