Khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh An Giang cũng gặp những khó khăn bởi xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp An Giang đạt những kết quả tích cực.
Nhờ xây dựng NTM, những con đường “nắng bụi, mưa bùn” ở An Giang đã được thay bằng đường nhựa thẳng tắp. Những chiếc cầu khỉ đong đưa nay được thay bằng cầu bêtông vững chãi.
Diện mạo nông thôn xã NTM Long Điền A (huyện Chợ Mới) được xây dựng khang trang sạch đẹp ngày thêm khởi sắc.
Đảng bộ An Giang xác định xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân đã giúp phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” thu được những kết quả đáng tự hào.
Nhờ tuyên truyền vận động, Chương trình xây dựng NTM đã khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ và nhân dân, trong xây dựng NTM. Từ đó, đã tạo thuận lợi trong việc huy động được nguồn lực trong dân, nhất là trong trong xây dựng hệ thống giao thông nông thôn và nhà ở cho người nghèo.
Năm năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh An Giang được trên 11.820 tỷ đồng. Trong đó vốn người dân đóng góp hơn 991 tỷ đồng, chiếm 8,38% (gồm: 600 tỷ đồng tiền mặt; trên 82.659 ngày công lao động (quy đổi thành tiền khoảng trên 115 tỷ đồng); hiến trên 178.087 m2 đất ở, giá trị hiến đất (quy đổi thành tiền khoảng 164 tỷ đồng); vật tư quy đổi thành tiền 65 tỷ đồng)… Với số tiền đóng góp của người dân, An Giang đã và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng NTM như cầu, đường giao thông nông thôn; hỗ trợ nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; cất nhà tình nghĩa....
Đồng chí Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, việc huy động đóng góp của nhân dân do chính người dân ở địa phương bàn bạc, quyết định, được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, không quá sức dân. Khi mới bắt tay xây dựng NTM, tỉnh An Giang có đến 108/119 xã (chiếm 90,8%) đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, đến tháng 3/2020, An Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM; trong đó có 1 huyện NTM (huyện Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Đồng thời có 61/119 xã đạt chuẩn xã NTM (51,26%), tăng 48 xã so với giai đoạn (2011 – 2015) và hoàn thành sớm hơn 1 năm so với lộ trình; 6 xã đạt 15 – 18 tiêu chí; 48 xã đạt 10 – 14 tiêu chí, 4 xã đạt 9 tiêu chí; không còn xã dưới 9 tiêu chí.
“Nhờ các chính sách đột phá, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt gần 42 triệu đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2010). Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, đến đầu năm 2020, An Giang còn 14.170 hộ nghèo (chiếm 2,63%); hộ cận nghèo có 29.414 hộ (chiếm 5,45%); hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 3.318 hộ (chiếm 12,21%/tổng số hộ dân tộc thiểu số)”, đồng chí Trần Anh Thư cho biết thêm.
Tỉnh An Giang phấn đấu trong năm 2020 có 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu có thêm 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 2 huyện (huyện Chợ Mới và Châu Thành) đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 3 xã/huyện phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 75% các ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn Bộ tiêu chí “Ấp nông thôn mới”. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 65 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 95%, nước hợp vệ sinh đạt 100%./.