Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho nhân dân; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, sau một thời gian triển khai xây dựng NTM đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua xuyên suốt, sâu rộng, có sức lan tỏa. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM ngày càng được phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia. Những kết quả trong xây dựng NTM đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đến hết năm 2017, trên địa bàn có 43 xã đạt 19 tiêu chí (trong đó có 31 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM); 16 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; số đạt từ 10 đến 14 tiêu chí là 32 xã.
Trong xây dựng NTM, Quảng Trị luôn xác định phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cho nên các địa phương đã chú trọng tập trung thực hiện. Năm 2017, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác triển khai các mô hình liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học mới, sản xuất theo quy mô lớn, chuỗi giá trị. Từ đó hướng đến liên kết bốn nhà trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó đã xuất hiện nhiều mô hình mới, tiêu biểu như mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh và trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã Nguyên Khang Garden (huyện Hải Lăng); mô hình trồng rau, củ, quả sạch bằng phương pháp thủy canh tại xã Vĩnh Trung (huyện Vĩnh Linh); mô hình sản xuất tiêu sạch ứng dụng công nghệ hiện đại của I-xra-en trong việc tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tại xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh); mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Cam Lộ...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trồng cây ăn quả đặc sản mang lại giá trị thu nhập bình quân đạt từ 100 đến 200 triệu đồng/ha như: mô hình cam K4 ở huyện Hải Lăng, mô hình trồng bưởi da xanh ở các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hải Lăng. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch và ban hành các chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới về giống nhằm đưa những bộ giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu vào sản xuất. Do đó, sản xuất nông nghiệp năm 2017 của Quảng Trị đã đạt được những kết quả tốt; tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp vượt 3,3% kế hoạch đề ra; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 250 nghìn tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt gần 32 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng hơn 7,8 nghìn tấn, khai thác gần 24 nghìn tấn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng Quảng Trị cũng gặp những khó khăn do công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung xây dựng NTM ở một số địa phương chưa quyết liệt, bài bản, chưa sáng tạo, đổi mới; một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung xây dựng NTM; một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước; ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng NTM chưa cao; công tác lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện cơ chế đặc thù và huy động nguồn lực để xây dựng NTM chưa đạt hiệu quả cao; một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn; các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM xảy ra tình trạng bị rớt tiêu chí.
Để công tác xây dựng NTM tiếp tục phát huy hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tổ chức thực hiện cho đội ngũ cán bộ xây dựng NTM các cấp, nhất là cấp cơ sở; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… nhằm tạo bước đột phá về diện mạo vùng nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; thực hiện tốt chính sách dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh có quy mô tập trung theo thế mạnh từng vùng; xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập và từng bước nâng cao mức sống của người dân ở địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Quảng Trị phấn đấu trong năm 2018 sẽ nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên từ 48 đến 50 xã (chiếm 41 đến 42,7% số xã của tỉnh); số tiêu chí bình quân là 15 tiêu chí/xã, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 1,5 đến 2%.
Theo Nhân dân điện tử