Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, khi bắt đầu bước vào thực hiện xây dựng NTM huyện Phúc Thọ gặp nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế- xã hội cũng được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu trong xây dựng NTM, huyện đã quyết tâm cao và xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và là khâu đột phá. Cũng nhờ vậy mà trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều cách làm hay và kinh nghiệm quý. Điển hình là việc làm tốt công tác tuyên truyền huy động sức dân và các nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng thể. Từ Mặt trận Tổ quốc tới các đoàn thể nhân dân đã thể hiện rõ trách nhiệm của tổ chức trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, công tác này được tổ chức thường xuyên, liên tục ở cả diện rộng lẫn chiều sâu thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền trực quan, đưa tin về xây dựng NTM; kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có đóng góp trong xây dựng NTM…
Ngoài ra, để theo sát quá trình thực hiện, huyện Phúc Thọ cũng coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể từ huyện đến cơ sở trong việc theo dõi, phụ trách công tác xây dựng NTM. Thống nhất quan điểm chỉ đạo chọn các tiêu chí dễ làm, ít vốn đầu tư sẽ làm trước còn các tiêu chí cần nhiều vốn, khó tập trung sẽ làm dần và huy động các nguồn lực để hoàn thành ở giai đoạn về đích.
Nhiều kết quả từ cách làm hay
Theo đó, huyện Phúc Thọ đã gặt hái được nhiều kết quả xứng đáng, trong năm 2014 công tác dồn điền đổi thửa của huyện đã hoàn thành 100%. Đến hết năm 2017, huyện có 20//22 xã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, phấn đấu hết năm 2018 sẽ có thêm 2 xã còn lại về đích và đạt huyện chuẩn NTM. Có thể khẳng định, chương trình xây dựng NTM và công tác dồn điền đổi thửa là nội dung mới, khó làm nhưng huyện đã đạt được kết quả đáng trân trọng, là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong những năm qua. Từ những kết quả đạt được đã thực sự góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 38 triệu đồng/người/năm. Kết quả sau rà soát cuối năm 2017 toàn huyện còn 1.401 hộ nghèo/49.586 hộ (giảm 471 hộ so với cuối năm 2016), trong đó có 765 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, tỷ lệ nghèo đa chiều đạt 1,30%.
Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được củng cố, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, diện mạo nông thôn thực sự được khởi sắc. Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng NTM, tận dụng tốt tiềm năng lợi thế của huyện, huyện Phúc Thọ còn triển khai cuộc vận động “3 sạch” (Nước sạch, Môi trường và Nông nghiệp sạch) gắn với chương trình xây dựng NTM để nâng cao chất lượng đời sống của bà con nông dân.
Ngoài ra, các tuyến đường trục chính của huyện, xã được quan tâm tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn của Bộ GTVT, tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối các xã, các thôn và huyện với thành phố. Năm 2017, huyện tiến hành nâng cấp, cải tạo 11,4 km tuyến đường do huyện quản lý và một số tuyến đường trục xã, đường giao thông ngõ. Đến nay 100% các tuyến đường huyện, trục xã, đường giao thông ngõ xóm được nhựa hóa và bê tông hóa. Bên cạnh đó, huyện có 47/73 trường học đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên được giữ vững và nâng lên. Công tác giáo dục luôn được coi trọng, thường xuyên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị bảo đảm cho việc dạy và học cho thầy và trò.
Để nâng cao đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp, huyện Phúc Thọ đã triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Thông tư 19. Theo đó, mỗi xã xây dựng đề án chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đang chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích các vùng sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng hoa màu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đưa thêm các cây con giống phù hợp với nhu cầu của thị trường và điều kiện tự nhiên của huyện vào sản xuất. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao (Phúc Hòa, Phụng Thượng, Ngọc Tảo, Hát Môn…); vùng sản xuất rau an toàn (Thanh Đa, Vân Phúc, Xuân Phú…); vùng cây ăn quả (Vân Nam, Vân Hà…).
Đồng thời thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm có giá trị cao, an toàn. Hiện nay, huyện Phúc Thọ đã xây dựng được hai nhãn hiệu tập thể: Bưởi Phúc Thọ và chuối Vân Nam; tạo điều kiện thuận lợi về thuê đất, chính sách đầu tư, thuế… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như: Công ty cổ phần thực phẩm hữu cơ Bò Quy sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ tại Cẩm Đình, công ty Ba Huân sơ chế trứng gia cầm tại thị trấn Phúc Thọ, Công ty Cổ Phần sản xuất và xuất nhập khẩu rau chất lượng cao Việt Phúc tại Thanh Đa…
Với những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Việt Liên cho rằng, từ nay đến cuối năm 2018, huyện Phúc Thọ sẽ phấn đấu có thêm 2 xã Xuân Phú và Thượng Cốc đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã của huyện đạt chuẩn lên 22/22 xã, đạt 100% và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thành phố thẩm tra, đề nghị xét công nhận huyện NTM. Đồng thời nâng cao thu nhập của người dân bình quân lên 41 triệu đồng/ha/năm và phấn đấu giảm 100 hộ nghèo.
Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 140 triệu đồng/ha, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chế phẩm sinh học, áp dụng chuỗi liên kết giá trị vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu cho nông sản.
Theo chinhphu.vn