Theo Phó Chủ tịch Thường trực huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, hiện nay huyện mới có 18/30 xã đạt chuẩn NTM. Để phấn đấu 30/30 xã đạt chuẩn NTM huyện còn gặp rất nhiều khó khăn và nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng cũng rất đáng mừng là trong năm 2018, huyện có thêm 3 xã đang phấn đấu để đạt chuẩn NTM là: Văn Võ, Đông Phương Yên và Mỹ Lương.
Để thực hiện chương trình 02 của Thành ủy, trong thời gian qua, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, nâng cao vai trò, nhận thức của người dân trong xây dựng NTM, phát huy sức mạnh cộng đồng thực hiện các tiêu chí không cần đầu tư như tiêu chí thu nhập, văn hóa, an ninh trật tự… Huyện Chương Mỹ cũng đã tích cực tập trung đầu tư các dự án xây dựng cơ bản cho các xã trong huyện để từng bước nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ của thành phố theo Quyết định 16, các xã trong huyện cũng đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, hệ thống thoát nước nông thôn, đường giao thông nội đồng đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân. Tập trung nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các trường học đảm bảo nhu cầu học tập, vui chơi của các cháu học sinh trên địa bàn huyện.
Nâng cao đời sống nông dân
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung thực hiện cho công tác phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.
Tính đến hết quý I/2018, huyện Chương Mỹ đã dồn điền đổi thửa được 98,7% so với kế hoạch của huyện và 100,75% so với kế hoạch thành phố giao. Nhờ vậy, đã đẩy mạnh diện tích chuyển đổi hơn 1,4 nghìn ha. Diện tích chuyển đổi sau dồn điền đổi thửa là 522,011 ha.
Sau dồn điền đổi thửa cùng với việc nâng cấp hệ thống thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đây chính là tiền đề để triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và phát triển bền vững.
Điển hình như trong tái cơ cấu ngành trồng trọt theo liên kết chuỗi sản xuất rau an toàn, lúa giống, lúa hữu cơ và bưởi hữu cơ như: Chuỗi giá trị sản xuất rau an toàn do HTX rau, quả sạch Chúc Sơn thực hiện với quy mô diện tích 15 ha VietGAP, hợp đồng trực tiếp với hệ thống siêu thị BigC, chuỗi siêu thị Tmark, các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Xô, Nội tiết và các trường học với số lượng tiêu thụ theo hợp đồng ổn định năm 2017 là 600 tấn rau. Chuỗi giá trị sản xuất bưởi hữu cơ với diện tích 5 ha tại Nam Phương Tiến do tổ hợp tác sản xuất bưởi hữu cơ Nam Phương Tiến ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với công ty Ánh Dương, số lượng 240 tấn…; chuyển từ chăn nuôi hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung xa khu dân cư, ứng dụng công nghệ cao và hợp đồng liên kết gia công với các công công ty nước ngoài với 82 trang trại; chăn nuôi gà đẻ trứng với 80 trang trại…
Nhờ vậy đời sống của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất, huyện Chương Mỹ còn tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua việc xây dựng, cải tạo các trung tâm văn hóa. Đến nay trên địa bàn huyện có 3 trung tâm văn hóa – thể thao xã, 177 nhà văn hóa của 166 thôn. Trong đó có thôn xây 7 nhà văn hóa, điển hình như: Mỗ Xá, Phú Vinh… 100% các nhà văn hóa thôn đều được đầu tư mua sắm tăng âm, đài đĩa phục vụ nhu cầu hội họp, các chương trình văn hóa, văn nghệ.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… thông qua nhiều giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy đã góp phần giúp các hộ nghèo trên địa bàn huyện Chương Mỹ cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững. Nếu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của huyện là 10,24%, đến hết năm 2017 có hơn 1,7 nghìn hộ nghèo, đạt 147,3% kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,65%.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan trong quý I/2018, nhưng hiện nay việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do Ban Chỉ đạo xây dựng NTM ở một số xã chưa quan tâm, coi trọng công tác xây dựng NTM. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của các HTX nông nghiệp, chưa năng động, sáng tạo và chủ động trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, có một số xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì coi như đã hoàn thành việc xây dựng mục tiêu, không quan tâm đến việc tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành các tiêu chí mới đạt ở mức độ thấp…
Vì vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, từ nay đến cuối năm huyện sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, phấn đấu cả năm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 11,5% tương đương 20.785 tỷ đồng. Đồng thời ổn định sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao làm cơ sở để phát triển kinh tế, xây dựng NTM và chuyển dịch mạnh lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Duy trì xã hội ổn định, giữ vững an ninh quốc phòng và đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Phấn đấu có 800 hộ thoát nghèo để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,6%. Nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 43 triệu đồng/người/năm.
Theo chinhphu.vn