Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Đến tháng 4/2018, cả nước có 3.289 xã (36,84%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 929 xã (10,4%) so với cuối năm 2016), trong đó có trên 200 xã đã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã (tăng 0,78 tiêu chí so với cuối năm 2016); còn 121 xã dưới 5 tiêu chí (giảm 136 xã so với cuối năm 2016); đã có 50 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 19 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2016).
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động, quán triệt nhận thức đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn.
Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu sẽ tạo nền tảng quan trọng để hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, cốt lõi là nâng cao vượt bậc đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Đồng thời, xây dựng và ban hành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, làm căn cứ để chỉ đạo, thực hiện, xét công nhận mức đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Trong đó, chú trọng các nội dung liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, như: việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm tốt đẹp; công tác đảm bảo an toàn an ninh trật tự ở khu dân cư nông thôn...
Phó Thủ tướng yêu cầu khi triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu phải lấy vai trò của cộng đồng dân cư là chính, phải để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn lĩnh vực phù hợp, là điểm mạnh của cộng đồng để phấn đấu trở thành kiểu mẫu; Nhà nước chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ, đưa ra các tiêu chí phù hợp để xét, công nhận và công bố. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau. Vì vậy, khi triển khai thực hiện nội dung này, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân tham gia. Tuyệt đối không vì thành tích mà huy động quá sức dân, phải để người dân thực sự tự nguyện, tự mình chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ động phát động cuộc thi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và định kỳ hằng năm tổ chức khen thưởng cá nhân tiêu biểu, tôn vinh các tổ chức kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã), doanh nghiệp có đóng góp tích cực, hiệu quả cho xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trên địa bàn.
Theo chinhphu.vn