Hoài Đức: Xây dựng mới từ cơ chế đặc thù nông thôn

Thứ sáu, 28/10/2016 12:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với cách làm sáng tạo, chủ động và hiệu quả, đến nay Hoài Đức đã vươn lên thành huyện Nông thôn mới (NTM) của Thủ đô với một nền nông nghiệp phát triển và chất lượng đời sống nông dân nâng cao rõ rệt. 

Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức

Đi lên từ những khó khăn

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hoài Đức gặp nhiều khó khăn trong vấn đề huy động vốn, chưa mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và phát triển các ngành phi nông nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập.

Mặt khác, là huyện nằm trọn trong các quy hoạch phân khu của Thành phố, quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh, tuy tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Điển hình như vấn đề quy hoạch xây dựng NTM và một số quy hoạch khác của huyện phải tiến hành điều chỉnh lại cho phù hợp với các quy hoạch phân khu, do đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, đề án, quy hoạch xây dựng NTM ở một số xã.

Tuy nhiên, Hoài Đức cũng có nhiều thuận lợi, trước khi xây dựng NTM, huyện đã huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội (như đường giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa; nhà văn hóa, trường học, trạm y tế từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo và ngày càng hoàn thiện. Số hộ có nhà ở kiên cố, khang trang cùng với các phương tiện cá nhân phục vụ đi lại, nghe, nhìn tăng nhanh…).

Ngoài ra, do là huyện gần với các quận nội thành, đây là thị trường rộng lớn cho các sản phẩm hàng hóa của huyện như: lương thực, rau, quả, thịt các loại đến các sản phẩm công nghiệp, làng nghề được tiêu thụ thuận tiện, với số lượng lớn ở nội thành và xuất khẩu. Đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh của huyện như: Rau an toàn, nhãn chín muộn, bưởi đường, cam Canh… nhu cầu ngày càng tăng, đây là điều kiện thúc đẩy sự chuyển dịch sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá.

Theo ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng kinh tế huyện Hoài Đức, khi xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cũng như bà con trong huyện đã chung sức, phấn đấu xây dựng NTM. Bên cạnh việc chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh thì công tác tuyên truyền, vận động luôn được cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục để giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, việc tuyên truyền đã đi xuống từng cơ sở, bà con trong huyện đã đóng góp 3.450 ngày công lao động, hiến hơn 20.000m2 đất và vật liệu xây dựng trị giá hàng tỷ đồng xây dựng các công trình.

Một ưu điểm khác là khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, qua rà soát các tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM tại 19 xã đã đạt và cơ bản đạt bình quân 8,8 tiêu chí/xã. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho huyện đạt nhanh các tiêu chí xây dựng NTM.



Đường liên thôn xã Yên Sở, huyện Hoài Đức đã được bê tông hóa kiên cố

Cán đích với cơ chế đặc thù

Để đạt được huyện NTM, ông Đỗ Đức Trung cho biết, huyện Hoài Đức đã đưa ra cơ chế xây dựng NTM đặc thù, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của huyện. Vì vậy, sau khi xã Yên Sở được Thành phố lựa chọn làm điểm, huyện Hoài Đức đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình “Nông thôn mới” để chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng nhóm tiêu chí, từng xã. Nhờ tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn nên kết quả thực hiện xây dựng NTM của huyện vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đã đạt 188,9% (NQ: 9 xã, thực hiện 17 xã).

Ngoài các chính sách của Trung ương và Thành phố, Huyện Hoài Đức đã ban hành các Nghị quyết nhằm hỗ trợ, đưa các cơ chế đặc thù vào để đẩy mạnh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM như giao thông ngõ xóm, đấu giá quyền sử dụng đất…

Vì vậy, đến nay, Hoài Đức đã có 17/19 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 89,5%. Hiện có 2/19 xã chưa đạt chuẩn NTM gồm xã Dương Liễu và Vân Côn, cả 2 xã đều đạt trên 16 tiêu chí, trong đó có tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, các tiêu chí còn lại đạt từ 70% trở lên theo quy định. Hiện nay 2 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay huyện đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị. Về xây dựng cơ sở trường học, huyện đã dành trên 1.200 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đến nay cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập.

Cùng với việc phát triển hạ tầng, để nâng cao đời sống vật chất cho người dân, huyện đã đặc biệt chú ý đến phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, đến nay đã triển khai được 639 ha trồng rau, hoa, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình sản xuất đã cho thu nhập từ vài trăm triệu đến trên tỷ đồng/ha canh tác như: nhãn chín muộn 97ha; rau an toàn 71ha; cây phật thủ 95 ha...

Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng tăng mạnh về số doanh nghiệp, số hộ sản xuất và giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị kinh tế chung của huyện.

Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng mạnh từ 22 triệu đồng/người năm 2010 tăng lên 35,5 triệu đồng/người năm 2015 (tăng 13,5 triệu đồng/người); thu nhập tăng cao đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 4,47% năm 2010, giảm còn 1,47% năm 2015 (giảm 3,0%).

Chất lượng tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp.

Với những kết quả đạt được, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ông Đỗ Đức Trung cho rằng, huyện Hoài Đức cần tập trung phát triển toàn diện kinh tế-xã hội để duy trì và phát triển các tiêu chí NTM đã đạt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Chương trình xây dựng NTM nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho nhân dân, phát huy vai trò của cộng đồng thôn, xóm trong xây dựng NTM.

Triển khai có hiệu quả các dự án đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của huyện, trên cơ sở ưu tiên đối với các dự án thuộc 2 xã chưa đạt chuẩn và các dự án thuộc các tiêu chí cần củng cố nâng chất. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế góp vốn đầu tư dưới hình thức liên doanh, liên kết cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp nhằm phát triển kinh tế xã hội và tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân.


Theo chinhphu.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)