Sức bật mới cho nông thôn ĐBSCL

Thứ tư, 18/04/2012 09:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) và xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã điểm, thời gian qua, nông thôn ĐBSCL đã từng bước vượt khó khăn để ổn định và phát triển. Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp mở rộng, từ đường liên tỉnh tới đường liên thôn ấp, rồi các công trình y tế, văn hóa, giáo dục… cũng có những đổi thay quan trọng, mở ra hướng phát triển bền vững cho vựa lúa lớn nhất nước, từ đó góp phần nâng cao đời sống nông dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn miền Tây Nam bộ.

Vận dụng chính sách linh hoạt

Từ khi Nghị quyết tam nông đi vào cuộc sống đã tác động tích cực đến đời sống, kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo những vùng quê ở ÐBSCL. Bà Ðặng Thị Ngọc Thịnh - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM cho biết, tỉnh đã vận dụng Nghị quyết tam nông và các tiêu chí xây dựng NTM một cách linh hoạt để thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển. "Chúng tôi không áp dụng đại trà mà chọn lựa những tiêu chí cơ bản dễ đáp ứng hoặc phù hợp tình hình thực tế từng địa phương để thực hiện. Cấp ủy quan tâm chỉ đạo sâu sắc về tam nông và xem chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Qua hơn ba năm, từ nguồn ngân sách tỉnh đã đầu tư trực tiếp hơn 417 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó chủ yếu là đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, cấp nước sạch, trạm y tế... Chuyển biến rõ rệt nhất là bộ mặt nông thôn đang từng ngày khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể", bà Thịnh cho biết.

Nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã bắt tay xây dựng NTM với nhiều phương pháp khác nhau. Tại Cà Mau và Bến Tre, chương trình xây dựng hàng ngàn cầu giao thông nông thôn để xoá cầu khỉ đến nay đã hoàn thành những bước cơ bản, tạo ra hệ thống giao thông an toàn, thông suốt ở vùng đất kênh rạch dày đặc. Bến Tre hiện đã hoàn thành cây cầu thứ 1.000 sau khi hoàn thành hàng ngàn kilômét đường giao thông nông thôn. Trong khi đó, chương trình xây dựng 1.588 cây cầu tại Cà Mau ngày càng nhận được sự quan tâm, đồng thuận và chia sẻ của cộng đồng. Tại Bạc Liêu, huyện Phước Long đã chủ động ban hành đề án về xây dựng NTM phát triển toàn diện với 30 tiêu chí, trong đó có 8 tiêu chí về lĩnh vực kinh tế. Từ đó, huyện phát huy được tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất. Hiện nay, Phước Long là một trong 5 huyện của cả nước được chọn thí điểm xây dựng mô hình huyện NTM. Tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư khoảng 130 tỷ đồng để thực hiện đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó sẽ xây dựng 22 xã đạt 19 tiêu chí về NTM và phấn đấu xây dựng các xã còn lại đạt 13 tiêu chí về NTM. Tại Cần Thơ đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM cho 36/36 xã thuộc 4 huyện ngoại thành….. TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết: “Muốn xây dựng được NTM phải có người nông dân mới, người nông dân đó phải am hiểu, sử dụng được kiến thức và thiết bị khoa học - kỹ thuật, ý thức, tư duy của người nông dân cũng phải thay đổi”.

Khởi sắc ở những vùng quê

Ðến xã Ðông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của một xã thuần nông. Những căn nhà mới được xây dựng san sát nhau, đường nông thôn được rải nhựa thẳng tắp, xe cộ chạy bon bon, nối từ xóm ấp đến trung tâm xã và huyện. Ông Nguyễn Văn Bảy 66 tuổi ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng bày tỏ sự phấn khởi: "Mấy năm gần đây các vùng nông thôn ở đây như được thay da đổi thịt. Giao thông thuận lợi nên thương lái không còn ép giá nông sản được nữa, nhờ vậy mà đời sống bà con cũng khấm khá hơn". Để có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo chính quyền từ ấp tới tỉnh, đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo người dân thông qua việc hiến đất làm các công trình công cộng…

Đến nay, hầu hết các xã đều có đường ôtô đến trung tâm xã, có đường liên ấp bảo đảm xe 2 bánh đi lại dễ dàng vào mùa mưa, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ dân ở nông thôn sử dụng điện bình quân đạt trên 90%. Tại ĐBSCL có nhiều xã bước đầu thành công trong xây dựng NTM, điển hình là xã Vị Thanh (Vị Thủy - Hậu Giang) đã chính thức được công nhận là xã NTM đầu tiên của Hậu Giang và cả khu vực ĐBSCL. Trước đây, điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhu cầu đi lại bằng đường bộ của người dân trở nên bức xúc. Vì vậy mà Vị Thanh đã vận động, tuyên truyền để người dân tự nguyện đóng góp công sức và tiền bạc cùng với Nhà nước xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Nhờ vậy toàn bộ các tuyến đường giao thông từ thôn ấp về trung tâm xã đều được phủ bê tông, nhựa và được liên thông tới huyện. Thu nhập bình quân đầu người gần 15 triệu đ/người/năm, cao gấp 2 lần thời kỳ chưa xây dựng NTM. Ông Huỳnh Văn Trắng - Chủ tịch UBND xã Vị Thanh rút ra bài học: "Tuyên truyền, vận động kiểu gì cũng không hiệu quả bằng cho nông dân mắt thấy, tai nghe, tận tay sờ. Một khi được tận mắt chứng kiến thì họ sẽ sẵn sàng nghe và làm theo. Để làm được điều đó, tất cả những vấn đề mang tính cộng đồng đều được chính quyền Vị Thanh công khai lấy ý kiến người dân, các thủ tục hành chính cũng được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà thông tin các ấp”.

Những ngày này tại ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa, nhìn những cánh đồng lúa trĩu vàng mới thấy được hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhân rộng. Nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 1ha lúa với “thâm niên” 2 vụ liên tiếp tham gia cánh đồng mẫu lớn (1.000ha) cho biết: “Chúng tôi được lợi chi phí sản xuất (giảm khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ), được tiếp cận quy trình sản xuất kỹ thuật cao nên làm chủ được mùa vụ”. Cánh đồng mẫu lớn trên 300ha tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần tỉnh Trà Vinh trong vụ hè thu vừa qua có 302 nông hộ tham gia, đạt hiệu quả ngoài mong đợi với chi phí sản xuất chưa tới 2.100 đ/kg, thấp hơn bên ngoài gần 900 đ/kg. Nhờ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn mà thu nhập của bà con nông nhân vùng ĐBSCL đã tăng 20 - 30%. Do vậy, vụ đông xuân này ĐBSCL đã nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn lên gần 20 nghìn ha, tăng hơn gấp đôi so với 2 vụ đông xuân và hè thu năm trước.

Từ nay đến năm 2015, phấn đấu trong cả nước sẽ có hơn 20% (trong tổng số gần 10 ngàn xã) đạt chuẩn NTM, thu nhập dân cư nông thôn tăng hơn 1,5 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%. Đến năm 2020, con số này sẽ là 50% số xã (tương đương 5 ngàn xã) đạt tiêu chuẩn NTM, thu nhập dân cư tăng gấp 2 lần và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%... Từ những thành công bước đầu của mô hình xây dựng NTM ở ĐBSCL, có thể thấy rằng việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà chủ lực là chương trình xây dựng NTM là hướng đi đúng, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay. Từ khi triển khai nghị quyết đến nay, đời sống người nông dân đã có nhiều bước thay đổi quan trọng, đặc biệt là tư duy về xây dựng NTM.

 


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)