Tiến độ chậm so với kế hoạch
Theo đánh giá của thường trực BCĐ 800 của tỉnh (Ban chỉ đạo xây dựng xây dựng NTM của tỉnh): Tiến độ triển khai theo báo cáo sơ bộ công tác điều tra, đánh giá thực trạng và lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã là rất chậm, không thể hoàn thành tiến độ đề ra. Đến nay, có 180/191 xã chưa có báo đầy đủ về thực trạng nông thôn và có 188 xã chưa xây dựng đề án xây dựng NTM cấp xã (chỉ có 3 xã là Tòng Đậu (Mai Châu), Đồng Tâm ( Lạc Thủy) và Yên Mông ( TP Hòa Bình) đã lập được đề án nhưng chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định và UBND huyện, thành phố phê duyệt). Về công tác lập đề án xây dựng NTM, các xã gặp nhiều lúng túng trong xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp về nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, giải quyết lao động việc làm, tăng thu nhập, nguồn vốn huy động nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân, mối liên hệ giữa đề án và công tác lập quy hoạch xây dựng NTM. Vì vậy, các xã mới đang tiếp tục xây dựng điều chỉnh đề án theo quy hoạch xây dựng NTM.
Các xã điểm đã cơ bản hoàn thành điều tra, khảo sát, điều tra đánh giá thực trạng nông thôn. Một số xã như Nhuận Trạch (Lương Sơn), Đồng Tâm (Lạc Thủy) tương đối bảo đảm yêu cầu về cơ sở hạ tầng gồm: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ, bưu điện, nhà văn hóa. Văn hóa, giáo dục, y tế phát triển khá tốt. Ngoài một số xã Yên Mông, Nhuận Trạch, Đồng Tâm thì nhiều xã khác có tỷ lệ hộ nghèo cao như Trung Bì (Kim Bôi), Hiền Lương (Đà Bắc). Hầu hết các xã đã có HTX hoặc tổ hợp đang hoạt động. Hầu hết các xã điểm đã mời được đơn vị tư vấn có đủ điều kiện, tiêu chuẩn năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công tác lập quy hoạch xây dựng NTM cấp xã. Trong đó có một số xã như Trung Bì (Kim Bôi), Yên Mông (TP Hòa Bình) đã hoàn thành lập quy hoạch, lập đồ án, lên bản đồ quy hoạch theo thông tư số 09/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xã NTM. Một số xã chưa chủ động trong mời các đơn vị tư vấn tham gia nên việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch còn nhiều lúng túng như Hợp Thịnh (Kỳ Sơn), Hiền Lương (Đà Bắc), Phong Phú (Tân Lạc).
Những vấn đề cần quan tâm
BCĐ 800 cho rằng, chất lượng tham mưu của một số thành viên trong BCĐ tại một số huyện, thành phố chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình. Năng lực triển khai ở cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp cận, tìm hiểu các chủ trương, chính sách quy định của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện chương trình của tỉnh và các ngành chuyên môn. Tại nhiều cơ sở, việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn và lập đề án xây dựng NTM theo 19 tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ về thực trạng ở địa phương mình. Công tác phối hợp giữa một số thành viên trong BCĐ 800 tại một số huyện, thành phố chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng việc ai người ấy làm, còn trông chờ vào chỉ đạo trực tiếp. Các địa phương còn lúng túng trong việc thống nhất xác định mục tiêu, nhu cầu vốn cũng như chỉ đạo triển khai lập quy hoạch để thực hiện chương trình NTM. Tại một số xã điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng NTM nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình NTM.
Ông Lê Văn Thạch, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác xây dựng NTM- Chi cục PTNT cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu có từ 15% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM). Mỗi huyện, thành phố hoàn thành từ 2- 3 xã trở lên. Đến năm 2020, phấn đấu thực hiện 50% số xã đạt chuẩn NTM, mỗi huyện thực hiện từ 8- 10 xã. Năm 2011 sẽ tập trung triển khai công tác lập đề án và quy hoạch, phấn đấu có trên 70% số xã hoàn thành quy hoạch. Theo kế hoạch, trong quý I, tất cả các xã điểm phải hoàn thành quy hoạch NTM. Quý II, 100% số xã lập xong đề án. Năm nay sẽ tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền. Hiện, Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để triển khai lập quy hoạch và đầu tư hạ tầng bước đầu. Trước mắt trong quý I/2011 bố trí cấp cho 11 xã mô hình điểm xây dựng NTM của tỉnh hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM để đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Theo BCĐ 800 của tỉnh, để chương trình xây dựng NTM đáp ứng được yêu cầu và phát huy tác dụng: Cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền về chương trình mục tiêu xây dựng NTM, tạo điều kiện để người dân tham gia vào đề án quy hoạch xây dựng NTM của xã. Đồng thời tạo sự quan tâm của toàn xã hội, đóng góp xây dựng NTM. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tham gia xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở. Hướng dẫn cụ thể về trình tự các bước tiến hành thực hiện chương trình NTM ở cấp xã; phương pháp đánh giá thực trạng nông thôn, lập đề án, lập nhiệm vụ và công tác quy hoạch xây dựng NTM; xây dựng cơ chế quản lý xây dựng NTM; khuyến khích các doanh nghiệp, nhóm, HTX, tổ hợp tác tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông thôn. Các xã tập trung thực hiện lập đề án, lập quy hoạch xây dựng NTM và lựa chọn tiêu chí cần ưu tiên thực hiện về phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, xác định các hạng mục đầu tư hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, vệ sinh môi trường làm cơ sở đề nghị cấp nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu.
Theo Báo Hòa Bình điện tử