Quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nước ta đã đột phá ứng dụng phương pháp "quy hoạch tích hợp"

Thứ năm, 25/05/2017 15:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sự tiến hóa trong phương pháp quy hoạchTừ sau Thế chiến thứ 2 tới nay, phương pháp quy hoạch cũng thay đổi theo từng thời kỳ.

Quy hoạch tổng thể (Master Planning) ra đời vào thập niên 1960, phát triển theo nguyên tắc phân khu với sự tách biệt nghiêm ngặt, phân định rõ ràng các hoạt động sử dụng đất và mật độ, quy hoạch định hướng mạnh mẽ về giao thông và vận tải cá nhân, các khu vực dân cư, nơi làm việc và dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể cho thấy môi quan hệ không vững chắc giữa các sáng kiến về kinh tế và các sáng kiến về quy hoạch không gian trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị. Quy hoạch tổng thể được soạn thảo bởi các nhà quy hoạch chuyên nghiệp, tách biệt khỏi sự tham gia của cộng đồng. Hiện nay, quy hoạch tổng thể vẫn đang được sử dụng ở nước ta.

Quy hoạch cơ cấu (Structure Planning) ra đời vào thập niên 1970, đề cập đến sự phát triển đất đai dài hạn và uyển chuyển hơn là nói rõ loại hình xây dựng cụ thể nào trong bản quy hoạch. Bản quy hoạch cho thấy cơ cấu và hướng phát triển trong tương lai và bỏ lại quy hoạch chi tiết cho tiến trình sau đó. Tuy nhiên, Quy hoạch cơ cấu đã không có chỗ để bàn các khía cạnh phi không gian của sự phát triển, chẳng hạn như: Kinh tế tài chính, xã hội và tự nhiên môi trường.

Quy hoạch chiến lược (Strategic Planning) ra đời vào thập niên 1980, là sự lồng ghép không gian vật chất với các chiến lược kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường hướng tới kế hoạch đầu tư, kế hoạch nguồn lực, các nhu cầu về định chế trong một tập hợp đặc biệt có hiệu quả nhất đối với thành phố để nó theo kịp với yêu cầu phát triển của toàn thành phố và tham vọng sản sinh ra trong điều kiện mâu thuẫn được đặt ra bởi các giới hạn về biên chế và sự thiếu hụt về tài chính… Tuy nhiên, giai đoạn này quy hoạch chiến lược chưa chú trọng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Quy hoạch chiến lược hợp nhất (Integrated Strategic Planning) ra đời vào thập niên 1990 trong xu thế toàn cầu hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tạm gọi tắt là “Quy hoạch tích hợp”. Quy hoạch chiến lược hợp nhất là sự hợp nhất giữa các quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và không gian vật chất, cơ sở hạ tầng để tìm ra một vùng chung, với các mục tiêu quy hoạch chung để đảm bảo sống tốt, công bằng xã hội và tính bền vững. Tuy nhiên, quy hoạch chiến lược hợp nhất không thể thay thế cho các bản quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, hạ tầng và quy hoạch đô thị. Đầu ra của quy hoạch chiến lược hợp nhất là mục tiêu quy hoạch chung chính là đầu vào của các bản quy hoạch chuyên ngành. Quy hoạch không gian chứa đựng yêu cầu không gian của các quy hoạch chuyên ngành.

Đúng hơn là quy hoạch chiến lược hợp nhất như một cái dù bao trùm lên các bản quy hoạch nói trên. Quy hoạch chiến lược hợp nhất là sự hợp tác về mặt tổ chức giữa nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp theo phương pháp quy hoạch có sự tham gia.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã đột phá ứng dụng phương pháp “quy hoạch tích hợp”


Công tác quy hoạch chiếm vị trí quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong xây dựng phát triển nông thôn mới. Thực tế, trên địa bàn nông thôn hiện nay đã triển khai nhiều loại hình quy hoạch độc lập do từng bộ chuyên ngành chỉ đạo theo các thông tư riêng của từng bộ như quy hoạch đất đai, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng…làm cơ sở cho đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, giàu đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Để thống nhất các loại quy hoạch và thuận tiện cho quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn xã thì Bộ Xây dựng – Bộ NN&PTNT – Bộ TN&MT đã ban hành thông tư liên tịch số 13/2011/TTL-BXD-BNN&PTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 quy định việc lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch là tiêu chí số 1, đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại.

Một trong các bước đột phá của thông tư 13 đó chính là việc hợp nhất ba nội dung quan trọng nhất của quy hoạch nông thôn là Quy hoạch về dân cư và hạ tầng + Quy hoạch sản xuất + Quy hoạch đất đai. Đây là ba loại hình quy hoạch vốn trước đây được triển khai độc lập theo hưỡng dẫn của từng bộ chuyên ngành giờ đã được tích hợp vào trong cùng một thông tư. Điều này khiến công tác quy hoạch từng ngành được hợp nhất trong một nội dung, đảm bảo tính đồng bộ và tổng hợp, tránh được các mâu thuẫn và chồng chéo.

Nội dung Quy hoạch xây dựng nông thôn mới bao gồm:

1 - Phân tích đánh giá.

2 - Dự báo tiềm năng và định hướng phát triển.

3 - Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã.

4 - Quy hoạch sử dụng đất.

5 - Quy hoạch sản xuất.

6 - Quy hoạch xây dựng.

Mục tiêu của quy hoạch xây dựng nông thôn mới là tạo được môi trường sống tốt của người dân, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên và đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất.

Có thể nói thành quả khả quan của chương trình xây dựng nông thôn mới có được như ngày nay trước tiên là nhờ vào Quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng “tích hợp” nêu trên.

Bản chất định hướng của quy hoạch tích hợp trong quy hoạch nông thôn mới

Bản chất định hướng của quy hoạch tích hợp là có một vùng chung, mục tiêu quy hoạch chung hướng tới phát triển bền vững. Trong đó mục tiêu quy hoạch chung của quy hoạch kinh tế và quy hoạch xã hội là công bằng xã hội, của quy hoạch xã hội và quy hoạch bảo vệ môi trường là sống tốt và của quy hoạch kinh tế và quy hoạch bảo vệ môi trường là tính bền vững. Do vậy, mục tiêu của quy hoạch tích hợp là phát triển bền vững trên cơ sở tích hợp của các quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, không gian vật chất và cơ sở hạ tầng để đảm bảo đồng thời các mục tiêu công bằng xã hội, sống tốt và tính bền vững.

Bản chất của Quy hoạch tích hợp trong Quy hoạch nông thôn mới cũng không phải là ngoại lệ mà cũng phải đảm bảo phát triển bền vững. Rõ ràng là để đảm bảo phát triển bền vững thì ngoài tích hợp Quy hoạch kinh tế còn cần tích hợp cả Quy hoạch xã hội và Quy hoạch bảo vệ môi trường, nhưng trong thông tư 13 lại không đề cập tới. Đây chính là điểm yếu của thông tư 13 vì không đề cập tới quy hoạch xã hội và quy hoạch bảo vệ môi trường.

Quy hoạch xã hội bao gồm: Giáo dục và dạy nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin – phát thanh – truyền hình và thể dục thể thao…

Môi trường nông thôn có thể bao gồm: i) Hạn chế lấp ao hồ hiện có. Khôi phục nạo vét và xây dựng hệ thống mương rãnh đáp ứng yêu cầu thoát nước. Làm hệ thống hồ điều hòa, xử lý nước thải (xử lý cơ học và sinh học). ii) Di chuyển hệ thống chuồng trại chăn nuôi (có số lượng lớn) ra khỏi khu dân cư. iii) Di chuyển các cơ sở gây tiếng ồn, khói bụi và gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. iv) Khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống bioga. v) Kiểm soát chặt chẽ hệ thống chất thải rắn, khuyến khích xử lý hoặc phân loại chất thải rắn tại nhà. vi) Tăng cường kiểm soát cộng đồng, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. vii) Xây dựng bãi chôn rác tập trung đúng kỹ thuật. viii) Quy hoạch hệ thống nghĩa trang đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, quy hoạch xây dựng nông thôn mới khác với quy hoạch đô thị bởi nó được nghiên cứu trên hiện trạng của làng quê đã được hình thành và phát triển từ lâu đời và đã trở thành không gian truyền thống. Mỗi vùng miền đều có đặc điểm khác nhau về văn hóa, lịch sử và cảnh quan do vậy quy hoạch xây dựng nông thôn mới có thể cần hợp nhất thêm chiến lược bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nông thôn và di tích văn hóa, lịch sử truyền thống để giữ lại diện mạo đặc trưng của nông thôn xưa, có thể bao gồm từ cảnh quan thiên nhiên như: Hồ ao, sông ngòi, bờ biển, vườn cây ao cá, bờ giậu bằng cây xanh hoặc dây leo, lũy tre làng, cây đa bến nước… đến cổng làng, đình chùa, nhà thờ… nếu phá đi rồi thì không thể nào làm lại được. Không gian truyền thống nêu trên đã trở thành di sản quý báu của làng xã Việt Nam.

Có thể nói, nhà ở nông thôn xưa luôn gắn với thiên nhiên cây cỏ như một đơn vị cân bằng sinh thái, ngày nay kinh tế khá hơn có thể xây nhà cao tầng trên đất cũ song cần giữ lấy cảnh quan sân vườn và lưu giữ những nét đẹp của ngôi nhà truyền thống. Kiểu nhà nông thôn mới này vẫn giữ được cảnh quan thơ mộng (không nên chia lô xây nhà ống như các đô thị). Cách làm này cho ta thấy dường như quá khứ của ông cha đã xây dựng nên một môi trường sống thôn quê sẽ đồng hành với các sản phẩm của nền văn minh đương đại về dịch vụ cơ sở hạ tầng như: Điện, nước, truyền hình cáp, điện thoại, internet tốc độ cao, hệ thống dịch vụ tiêu dùng các siêu thị mini, các trạm xe buýt công cộng…

Do vậy, có thể cần tích hợp thêm cả chiến lược bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nông thôn xưa và di tích văn hóa lịch sử truyền thống vào thông tư 13 để quy hoạch xây dựng nông thôn mới có bản sắc và giữ được truyền thống.

Cách làm cụ thể cần làm so với các đồ án quy hoạch nông thôn mới hiện nay

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới hiện nay mới chỉ dựa vào việc hợp nhất ba nội dung quan trọng nhất là Quy hoạch về dân cư và hạ tầng + Quy hoạch sản xuất + Quy hoạch đất đai. Do vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới dựa trên phương pháp quy hoạch nêu trên còn có nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát triển bền vững do chưa tính đến các quy hoạch xã hội và quy hoạch bảo vệ môi trường và Chiến lược bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nông thôn xưa và các di tích văn hóa lịch sử truyền thống. Cách cụ thể cần làm so với đồ án quy hoạch nông thôn mới hiện nay như sau:

1 - Tích hợp thêm Quy hoạch xã hội và Quy hoạch bảo vệ môi trường và Chiến lược bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nông thôn xưa và các di tích văn hóa lịch sử vào trong quy hoạch hoặc quy hoạch điều chỉnh xây dựng nông thôn mới để khắc phục những hạn chế của thông tư 13.

2 – Cần làm rõ đầu ra của kết quả hợp nhất giữa các bản quy hoạch là mục tiêu quy hoạch chung và xem nó như là đầu vào của các quy hoạch chuyên ngành. Quy hoạch xây dựng (trong đó có quy hoạch dân cư) chứa đựng yêu cầu của các quy hoạch chuyên ngành.

3 – Cần thấy rõ vai trò tham gia của cộng đồng dân cư trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong thông tư 13.

Cần hoàn thiện phương pháp quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng “quy hoạch tích hợp” và nâng cao năng lực thực hiện.

Cho đến nay sau hơn ba năm thực hiện thông tư 13, về chất lượng, nhìn chung quy hoạch xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo ra cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn ở các vùng nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là một số bộ phận trong công tác lập quy hoạch chưa am hiểu sâu về nông thôn. Nhiều cán bộ vẫn lập quy hoạch nông thôn theo tư duy của lập quy hoạch đô thị. Hơn nữa, chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều nội dung với nhiều lĩnh vực trong khi thời gian hoàn thành lại gấp gáp.

Bản thân thông tư 13 lại chưa đề cập đến Quy hoạch xã hội, Quy hoạch bảo vệ môi trường và Chiến lược bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan nông thôn xưa và các di tích văn hóa lịch sử truyền thống, chưa chỉ rõ quan hệ giữa quy hoạch tích hợp với quy hoạch chuyên ngành, chưa đề cập đầy đủ sự tham gia của cộng đồng dân cư ở làng xã.

Do vậy, đã đến lúc tiến hành tổng kết việc thực hiện Thông tư 13 rút ra những bài học kinh nghiệm để hoàn chỉnh hơn. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ lập quy hoạch, cán bộ chính quyền địa phương, các cán bộ đoàn thể địa phương và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Từ kinh nghiệm và bài học trong việc đột phá ứng dụng phương pháp “quy hoạch tích hợp” trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở nước ta, có thể tiến tới mở rộng ứng dụng phương pháp “quy hoạch tích hợp” rộng rãi ở nước ta. Do vậy, cần đưa phương pháp “quy hoạch tích hợp” phương pháp “quy hoạch chiến lược hợp nhất” vào Luật Quy hoạch đang được soạn thảo.
 

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 85+86)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)