Đây là một nội dung trong Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.
So với Nghị định cũ, Nghị định mới đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động này, như Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về viện trợ PCPNN, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý các khoản viện trợ PCPNN. Trong trường hợp các quy định hoặc điều kiện viện trợ của Bên tài trợ khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Một nguyên tắc nữa là không tiếp nhận các khoản viện trợ PCPNN gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Về nguyên tắc cụ thể trong việc thực hiện các khoản viện trợ PCPNN, Nghị định chỉ rõ, ngoài các hàng hóa mới 100%, cơ quan chủ quản chỉ thỏa thuận tiếp nhận những hàng hóa viện trợ đã qua sử dụng còn hơn 80% so với giá trị sử dụng mới. Bên tài trợ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng hàng hóa do mình xác nhận cho tới khi hàng hóa được tiếp nhận.
Về trách nhiệm giám sát, đánh giá thực hiện viện trợ PCPNN, Ban quản lý dự án, chương trình có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết về đánh giá, giám sát, chậm nhất sau 3 tháng kể từ ngày khởi động (ký, phê duyệt) dự án, chương trình.
Nghị định mới cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan trong chế độ báo cáo quản lý, sử dụng các khoản viện trợ PCPNN. Theo đó, nếu vi phạm chế độ báo cáo có hệ thống, kéo dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng các trường hợp này và đề xuất các biện pháp xử lý, kể cả việc đề nghị Thủ tướng không phê duyệt các khoản viện trợ do các cơ quan này đề xuất.
Nếu vi phạm các quy định của quy chế này, mọi khoản viện trợ được coi là không hợp lệ và phải đình chỉ thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc chuyển giao cho các cơ quan chức năng xử lý.
Theo : www.chinhphu.vn