Công văn của Bộ Xây dựng Hướng dẫn việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Thứ sáu, 30/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 23/12/2005 Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 2646/BXD-XL Hướng dẫn việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện các quy định tại Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình và số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005 ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng các địa phương đã tổ chức tiến hành công tác cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, do một số nội dung được hiểu chưa thống nhất.
Để đẩy nhanh công tác cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải thích thực hiện thống nhất các nội dung sau:
1. Về thành phần của Hội đồng tư vấn:
- Tuỳ thuộc vào tình hình của mỗi địa phương, Giám đốc Sở xây dựng quyết định thành phần, cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên của Hội đồng tư vấn cho phù hợp, trong đó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Xây dựng và uỷ viên thường trực là cán bộ của Sở Xây dựng.
- Các uỷ viên tham gia Hội đồng là những cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và có uy tín do các Hội nghề nghiệp ở trung ương hoặc địa phương giới thiệu và Giám đốc Sở Xây dựng xem xét quyết định.
- Trường hợp đối với những địa phương chưa có các Hội nghề nghiệp thì có thể mời cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp đại diện của các Sở có xây dựng chuyên ngành Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng tham gia Hội đồng.
- Hội đồng tư vấn hoạt động theo Quy chế do Giám đốc Sở Xây dựng quyết định ban hành theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 của Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD và Phụ lục số 4 của Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD.
2. Về nội dung hành nghề:
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD và Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD là chỉ cấp cho các cá nhân có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp tham gia hoạt động xây dựng với nguyên tắc nếu cá nhân được đào tạo theo các chuyên ngành tương tự thì nội dung hành nghề được xem xét chủ yếu căn cứ vào thực tế kinh nghiệm hoạt động xây dựng của cá nhân đó, cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
a Đối với chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư:
Cấp cho cá nhân có trình độ đại học thuộc chuyên ngành kiến trúc công trình hoặc quy hoạch xây dựng. Nội dung được phép hành nghề không nhất thiết căn cứ vào chuyên ngành người đó đã được đào tạo mà căn cứ chủ yếu vào thời gian và kinh nghiệm thực tế mà cá nhân đó đã tham gia thiết kế kiến trúc công trình hay thiết kế quy hoạch xây dựng. Trường hợp nếu người đó đã có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế thực hiện cả thiết kế kiến trúc công trình và thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định thì được phép hành nghề cả hai lĩnh vực này.
b Đối với chứng chỉ hành nghề kỹ sư:
Cấp cho cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành có liên quan đến công tác khảo sát xây dựng, thiết kế công trình xây dựng. Nội dung được phép hành nghề như sau:
- Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khảo sát xây dựng khảo sát địa hình, khảo sát địa chất, khảo sát địa chất thuỷ văn: nội dung được phép hành nghề không nhất thiết phải căn cứ vào chuyên ngành khảo sát người đó đã được đào tạo mà chủ yếu căn cứ vào thời gian và kinh nghiệm thực tế theo quy định mà cá nhân đó đã tham gia thực hiện loại hình khảo sát nào để xét cấp chứng chỉ hành nghề.
- Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng như xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng thuỷ lợi: nội dung được phép hành nghề không nhất thiết phải căn cứ vào chuyên ngành xây dựng người đó đã được đào tạo mà chủ yếu căn cứ vào thời gian và kinh nghiệm thực tế theo quy định mà cá nhân đó đã tham gia thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông hay thuỷ lợi. Ví dụ cá nhân có bằng đại học thuộc chuyên ngành xây dựng thuỷ lợi, nhưng đã tham gia thiết kế các công trình dân dụng với thời gian từ 5 năm trở lên, thực hiện ít nhất 5 công trình thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung hành nghề là thiết kế các công trình dân dụng.
- Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khác có liên quan đến thiết kế công trình như cấp thoát nước, cơ - điện công trình, cấp nhiệt, thông gió, điều hoà không khí, thông tin liên lạc, phòng cháy - chữa cháy..: nội dung được phép hành nghề phải phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, và căn cứ vào theo thời gian, kinh nghiệm thực tế mà cá nhân đó đã tham gia thiết kế. Ví dụ cá nhân có bằng đại học thuộc chuyên ngành cơ khí hoặc điện thì chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung hành nghề là thiết kế cơ - điện công trình nếu đã có thời gian tham gia thiết kế trong lĩnh vực này ít nhất 5 năm, thực hiện ít nhất 5 công trình.
c Đối với chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình:
Những cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng như xây dựng dân dụng và công nghiệp; xây dựng giao thông; xây dựng thuỷ lợi nếu đã tham gia thiết kế hoặc thi công xây dựng hoặc giám sát thi công 5 năm trở lên thuộc loại công trình nào thì được hành nghề giám sát thi công xây dựng và hoàn thiện đối với loại công trình đó. Ví dụ cá nhân có bằng đại học thuộc chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, nhưng đã tham gia thiết kế, thi công hoặc giám sát thi công các công trình thuỷ lợi từ 5 năm trở lên thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, lĩnh vực chuyên môn giám sát là xây dựng và hoàn thiện, loại công trình là công trình thuỷ lợi.
Trường hợp những cá nhân đã hành nghề giám sát thi công xây dựng trước ngày Luật Xây dựng có hiệu lực, nhưng không phù với chuyên ngành được đào tạo thì căn cứ vào thời gian và kinh nghiệm thực tế mà người đó đã tham gia thiết kế, thi công hoặc giám sát thi công xây dựng loại công trình nào để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng và hoàn thiện loại công trình đó cho cá nhân.
Đối với các lĩnh vực hành nghề giám sát lắp đặt thiết bị công trình và lắp đặt thiết bị công nghệ chỉ cấp cho cá nhân thuộc các chuyên ngành như điện, cơ khí, cấp nhiệt, thông gió, điều hoà không khí, thông tin liên lạc, phòng cháy - chữa cháy… nếu người đó đã tham gia thiết kế, thi công hoặc giám sát thi công các công việc thuộc các chuyên ngành này từ 5 năm trở lên thì nội dung được phép hành nghề là giám sát lắp đặt thiết bị công trình hoặc lắp đặt thiết bị công nghệ hoặc cả hai nội dung này nếu cá nhân đó đã có đủ thời gian và kinh nghiệm theo quy định đối với cả hai lĩnh vực này.
3. Về cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công cho cá nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp:
Hiện nay ở một số địa phương có nhu cầu đầu tư xây dựng rất lớn, nhưng thiếu người có đủ điều kiện theo quy định để giám sát thi công. Do vậy, để giải quyết tình trạng này, ngoài những khu vực vùng sâu, vùng xa, căn cứ tình hình thực tế của mỗi địa phương có thể xem xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công cho những cá nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp nếu có đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định 12/2005/QĐ-BXD. Nội dung được phép hành nghề giám sát theo hướng dẫn tại điểm 2.c nêu trên. Chứng chỉ hành nghề cấp cho những cá nhân này có màu hồng, phạm vi hoạt động chỉ đối với các công trình cấp IV.
4. Về xác định thời gian có kinh nghiệm nghề nghiệp để xét cấp chứng chỉ hành nghề:
Đối với các cá nhân có thời gian tham gia hoạt động xây dựng kể từ ngày tốt nghiệp đại học chưa đủ 5 năm, nhưng trước đó đã có bằng cao đẳng, trung cấp và đã tham gia thiết kế, thi công hoặc giám sát thi công xây dựng thì thời gian đó được tính là thời gian có kinh nghiệm để xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nhằm mục đích từng bước chuyên nghiệp hoá đội ngũ những người tham gia hoạt động xây dựng phải có trình độ chuyên môn nhất định và kinh nghiệm nghề nghiệp để đảm bảo sản phẩm làm ra có chất lượng trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Nguyễn Thị Đỗ Hạo
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)