Vinaconex cổ phần hoá ngay trong năm 2006

Thứ sáu, 04/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cập nhật: 03/08/2006 Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex dự kiến sẽ tiến hành cổ phần hóa ngay trong năm 2006. Theo phương án cổ phần hóa, Vinaconex tiến hành cổ phần hóa theo phương thức giữ nguyên vốn Nhà nước kết hợp phát hành thêm cổ phiếu để thu hút thêm vốn.

Xây lắp vẫn là hoạt động mũi nhọn của Vinaconex

Một lượng lớn cổ phần do Vinaconex sẽ được bán ra bên ngoài qua đấu giá công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán.

Vinaconex, tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài trực thuộc Bộ xây dựng được thành lập ngày 27/09/1988. Do yêu cầu mở rộng hoạt động và quy mô của Công ty, Bộ xây dựng đã ra quyết định chuyển Công ty thành Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, xuất khẩu lao động và xuất nhập khẩu. Tháng 11/1995, Vinaconex trở thành một tổng công ty nhà nước tổng công ty 90 với nhiều thành viên mới là các công ty trực thuộc Bộ xây dựng trước đây với vốn chủ sở hữu 192 tỷ đồng.

Cổ phần hóa bằng phát hành thêm cổ phiếu

Khi chuyển sang hình thức tổng công ty cổ phần, vốn điều lệ ban đầu của Vinaconex được xác lập tại thời điểm thành lập là 1.500 tỷ đồng, tương đương 150 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, vốn Nhà nước là 960 tỷ đồng, chiếm 64%, vốn của cán bộ công nhân viên Tổng công ty là 10,06 tỷ đồng, tương đương 0,67%, vốn của các cổ đông khác là 529,936 tỷ đồng, tương đương 35,33% gồm cổ phần bán cho cổ đông chiến lược là 100,8 tỷ đồng, tương đương 7,2%, cổ phần bán đấu giá công khai ra bên ngoài 421,9365 tỷ đồng, tương đương 28,13%.

Trong hơn 50 triệu cổ phần dự kiến phát hành ra bên ngoài, 42.193.650 cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai tại TTGDCK Tp.HCM và TTGDCK Hà Nội. 10,8 triệu cổ phần sẽ được bán cho các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, theo Vinaconex, tổng số cổ phần đăng ký của 6 nhà đầu tư chiến lược đã gấp hơn 3 lần, đạt 33 triệu cổ phần. 6 nhà đầu tư chiến lược là các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán...
Tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược của chúng tôi là chọn các tổ chức kinh tế trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế có mối quan hệ gắn bó lâu dài, có sự hợp tác hiệu quả hoặc có tiềm năng hợp tác tốt với Vinaconex, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện các chiến lược của TCT, có kinh nghiệm hoạt động và cam kết hỗ trợ cho TCT trong những lĩnh vực hoạt động chính, có khả năng cung cấp nguồn tài chính, công nghệ, nguồn vật tư, vật liệu cho hoạt động của TCT, một đại diện Vinaconex cho biết.

Giá bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược sẽ được giảm 20% so với giá đấu bình quân và các cổ đông này không được chuyển nhượng cổ phần của mình trong vòng 3 năm kể từ khi TCT cổ phần bắt đầu hoạt động. Riêng số lượng cổ phần bán cho người lao động là 1.006.350 cổ phần sẽ theo giá ưu đãi được giảm 40% so với giá đấu bình quân.

Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI là đơn vị tư vấn phát hành cho đợt phát hành này. Giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần tại TTGDCK và bảo lãnh phát hành là 10.500 đồng. Ngân hàng ĐT&PT VN và Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn sẽ đồng tham gia bảo lãnh số cổ phần được đấu giá.

Tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2010

Cùng với việc cổ phần hóa, một lộ trình tăng vốn của Vinaconex cũng sẽ được tính đến dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển các dự án. Phương thức tăng vốn sẽ thực hiện thông qua việc tiếp tục phát hành thêm cổ phần từ năm 2008-2010.

Theo đó, quý I/2007, Vinaconex sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành riêng lẻ song vẫn đảm bảo cơ cấu vốn sở hữu của Nhà nước là 51%. Đợt phát hành này chủ yếu dành cho các đối tác tiềm năng đặc biệt là các tập đoàn nước ngoài trong các lĩnh vực như xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản và tài chính.

Lãnh đạo Vinaconex cũng cho biết, Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty sẽ quyết định các đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Dự kiến năm 2010 vốn điều lệ sẽ là 5.000 tỷ đồng.

Cùng với việc tăng vốn, Vinaconex sẽ phát triển đa doanh, đa ngành nghề, đa sở hữu trên cơ sở các lĩnh vực sản xuất, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Vinaconex xác định xây lắp tiếp tục là thế mạnh và là lĩnh vực then chốt, làm cơ sở cho TCT chủ động trong việc đầu tư vào các dự án công nghiệp khác trong đó hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Mục tiêu của TCT không chỉ là trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản mà còn là nhà đầu tư, quản lý bất động sản của các khu đô thị cao cấp hiện đại mang tầm cỡ quốc tế. TCT sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị mới có quy mô lớn và hiện đại của HN, Tp.HCM và các tỉnh thành phố khác....

Các lĩnh vực khác như: sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, thương mại dịch vụ, đầu tư sản xuất công nghiệp và dịch vụ khác sẽ được đẩy mạnh. Riêng lĩnh vực đầu tư tài chính, Vinaconex sẽ mở rộng các hoạt động đầu tư tài chính, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn, tạo động lực thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. TCT sẽ thành lập công ty cổ phần tài chính, một mặt nhằm thu hút và quản lý các nguồn vốn phục vụ cho phát triển của TCT một mặt tăng cường đầu tư vào thị trường bảo hiểm và TTCK.

Cũng theo lãnh đạo Vinaconex, sau cổ phần hóa, TCT sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đang triển khai và xem xét đầu tư các dự án lớn khác như: cụm dự án kinh doanh bất động sản dọc đường Láng-Hòa Lạc, dự án xây dựng khu đô thị Thắng Đầu, Hà Tây, dự án xây dựng khu đô thị Thượng Đình tại Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Mức cổ tức dự kiến là 12%, 15% và 16% trong các năm từ 2006 đến 2008.

www.vneconomy.com.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)