Chiều 04/6, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.
Cần làm nổi bật ưu điểm, sự cần thiết phải đề xuất các Luật trên cùng có hiệu lực sớm từ 01/8/2024
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 là những luật có nội dung mang tính đột phá, quan trọng; nhiều quy định có thể tổ chức thực hiện được ngay mà không chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Vì vậy, việc xây dựng Luật để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực thi hành sớm (từ ngày 01 tháng 8 năm 2024) là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội kịp thời, hiệu quả, an toàn và bền vững; qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách nhà ở của Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, qua rà soát, trong trường hợp Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ 01/8/2024, các quy định về chuyển nhượng dự án bất động sản tại Luật các tổ chức tín dụng cũng cần phải được điều chỉnh hiệu lực về cùng thời điểm này để đảm bảo bảo tính đồng bộ, khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Luật.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với phương án 1 của cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời trao đổi, thảo luận và đưa ra một số ý kiến để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật.
Theo đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung ý kiến góp ý của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là ý kiến của 4 Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp để thành phần bộ hồ sơ dự thảo tuân thủ đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích rõ những lợi ích, khó khăn, thách thức (nếu có) khi các Luật được đề xuất có hiệu lực sớm từ 01/8/2024; qua đó thể hiện sự cần thiết phải để các Luật này có hiệu lực sớm cùng với nhau.
Nhất trí với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Giao thông vận tải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ những quyền, lợi ích nào của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng khi các Luật này có hiệu lực sớm; đồng thời đánh giá thêm tác động, ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án được đề xuất.
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về một số nội dung như: tiến độ, chất lượng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật của các bộ, ngành, địa phương; các điều kiện, nguồn lực bảo đảm khả năng triển khai thi hành sớm;…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp Hội đồng thẩm định - Ảnh: VGP/LS
Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp ý kiến của thành viên hội đồng thẩm định, chỉnh lý, trình một phương án đối với quy định về điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo luật; đảm bảo chất lượng của các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là những nội dung khó như quy định về bảng giá đất để đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ; tiếp tục rà soát kỹ những điều khoản nhạy cảm có khả năng làm xảy ra khiếu kiện, không tạo kẽ hở có thể dẫn đến các sai phạm.
Bên cạnh đó, để làm nổi bật ưu điểm, sự cần thiết phải đề xuất các Luật trên cùng có hiệu lực sớm, theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần liệt kê chi tiết các lợi ích đối với người dân, doanh nghiệp và làm rõ mối quan hệ giữa các Luật được đề xuất. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá tác động của dự thảo Luật tới quyền, nghĩa vụ của công dân, khả năng thực hiện của cơ quan nhà nước; củng cố lập luận trong Tờ trình về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lấy đầy đủ ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với dự thảo Luật.
Để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân chịu sự tác động của các điều khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai số 31/2024/QH15, tại Điều 5 dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 02 phương án như sau:
- Phương án 1: Rà soát, quy định cụ thể các điều, khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, trường hợp có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi Luật có hiệu lực sớm thì quy định có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Các trường hợp còn lại vẫn có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.
- Phương án 2: Cho phép các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các điều khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được lựa chọn hiệu lực thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 hoặc từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động trực tiếp của các điều khoản chuyển tiếp quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.