Ngày 4/6/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường) tổ chức Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 - Năm 2024, với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp”, với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý ở Trung ương, địa phương; đại diện các đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; các tổ chức về môi trường trong nước và quốc tế, đông đảo các chuyên gia và các nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung phát biểu tại Diễn đàn
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 60 điểm cầu trên toàn quốc và là sự kiện thường niên của Tạp chí Tài nguyên và môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6).
Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp, cách thức để các địa phương có thể triển khai hiệu quả, đồng bộ công tác quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật; đồng thời góp phần phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để định hướng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư và phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và môi trường, Trưởng ban tổ chức cho biết, quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả. Khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại và tận dụng triệt để giá trị sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vì chất thải rắn sinh hoạt, có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất khác.
Nhấn mạnh thông điệp của Diễn đàn môi trường năm 2024 là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng thực thi hiệu quả Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và có nhiều sáng kiến áp dụng trong phân loại rác, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường, TS. Đào Xuân Hưng hy vọng với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp công nghệ, xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt; sự đồng hành tuyên truyền của các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ góp phần vào thành công chung Diễn đàn năm nay.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung cho biết, Diễn đàn Môi trường năm 2024 diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực về môi trường để hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6 và triển khai tháng hành động về môi trường năm 2024 và còn chưa đầy 5 tháng nữa, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình, cá nhân theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải, khi coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu đã được phân loại; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thực hiện triệt để nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền, người thải nhiều chất thải thì phải trả tiền nhiều.
Theo Phó Cục trưởng Hồ Kiên Trung, thời gian qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tích cực làm việc với các địa phương để thúc đẩy công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và nhận thấy rằng, hầu hết tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để làm căn cứ xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt của địa phương; nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc Trung ương đã bắt đầu thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở quy mô lớn hơn; áp dụng những công nghệ mới, tiên tiến (như tái chế, khí hóa, đốt có thu hồi năng lượng, sản xuất phân compost) để tái chế, tái sử dụng và xử lý theo tính chất các loại chất thải sau phân loại, làm cơ sở để điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho phù hợp với địa phương mình.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương hiện nay còn gặp nhiều thách thức vì các nguyên nhân sau: hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ; nhiều địa phương chưa tìm kiếm đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm kiếm công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải sau khi phân loại; thiếu cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hầu hết các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thuộc quản lý nhà nước, chưa đảm bảo năng lực và trang thiết bị cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại.
Ngoài ra, nhận thức và sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đưa các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các điểm tập kết/trạm trung chuyển/trạm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các khu tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào trong quy hoạch của tỉnh để có lộ trình thực hiện; chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với địa phương; nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế và cần thời gian để tổ chức thực hiện.
Từ các thách thức nêu trên, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhận thấy rằng, để các địa phương thực thi công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế từ chất thải sau phân loại thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ và có phối hợp chặt chẽ của 3 bên: đó là chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Tham dự Diễn đàn, ông Hideki Wada - Chuyên gia đến từ Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm của đất nước Mặt trời mọc trong việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho biết, hiện nay (đến hết năm 2021) Nhật Bản có hơn 1.000 cơ sở áp dụng công nghệ đốt, trong đó có công nghệ đốt thu hồi năng lượng. Để đạt được điều đó, chính quyền Nhật Bản đã triển khai Chương trình hỗ trợ tài chính phát triển các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Toàn cảnh Diễn đàn
Hiện nay, gần 100% địa phương của Nhật Bản đều tham gia Chương trình hỗ trợ tài chính này. Mục tiêu của Chương trình là khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại ở các địa phương; chính quyền Trung ương có thể điều hướng các địa phương đảm bảo đi đúng hướng quản lý chất thải rắn của quốc gia; cho phép chính quyền trung ương kiểm soát công nghệ; chính quyền Trung ương có thể xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Diễn đàn môi trường lần thứ 3 - Năm 2024 đã nhận được nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận của các diễn giả, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học từ Việt Nam, Nhật Bản, WB tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp môi trường, xử lý chất thải, phát triển công nghệ đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt.