Ảnh minh họa (Nguồn: Báo xây dựng)
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo theo Thông báo số 70/TB-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Định; Thông báo số 232/TB-UBND ngày 03/7/2023 của UBND tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo có liên quan trước đây. Người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quy định pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời, để xảy ra sai phạm, không đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, tổng kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý chất lượng công trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 70/TB-UBND ngày 13/3/2023, tổng hợp kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/11/2023. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm (nếu có) về công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình theo quy định. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với thực tế, sát giá thị trường, phù hợp theo quy định.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành giao thông, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý chất lượng công trình giao thông trọng điểm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 232/TB-UBND ngày 03/7/2023, tổng hợp kết quả thực hiện, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/11/2023. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông vận tải; tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất về công tác quản chất lượng và an toàn trong thi công xây dựng đối với các công trình giao thông trọng điểm theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đầu tư công, đấu thầu; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, kế hoạch đấu thầu... theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm (nếu có) trong lĩnh vực đấu thầu theo quy định. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất để chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/11/2023.
Sở Tài chính chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát hệ thống giá, đơn giá, đảm bảo giá vật liệu xây dựng theo công bố của Liên Sở Xây dựng – Tài chính sát với giá thị trường theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban QLDA Giao thông tỉnh khẩn trương kiểm tra, rà soát triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 14/11/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 70/TB-UBND ngày 13/3/2023 và số 232/TB-UBND ngày 03/07/2023 của UBND tỉnh và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ban QLDA Giao thông tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng, đơn vị tư vấn phải nâng cao vai trò trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong quá trình thi công xây dựng công trình; thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời điều chỉnh các vấn đề bất hợp lý tại hiện trường, các yêu cầu về kỹ thuật phù hợp hơn nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng, đảm bảo hiệu quả khi đưa công trình vào khai thác sử dụng; đồng thời, nâng cao chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong thực thi công vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp để đạt hiệu quả công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông; quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát, lập hồ sơ thiết kế dự án đến tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác quản lý dự án, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý dự án đảm bảo đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị đảm bảo theo hợp đồng ký kết với Chủ đầu tư để triển khai thi công công trình đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng theo kế hoạch tiến độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, Ban QLDA Giao thông tỉnh xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp, hiệu quả để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, người dân, các cơ quan thông tin đại chúng tham gia giám sát, kịp thời phát hiện, phản ảnh các hành vi làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức thi công xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ; thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng để làm cơ sở đánh giá các nhà thầu tham gia công tác đầu tư xây dựng, từ đó lựa chọn các nhà thầu uy tín, trách nhiệm để tham gia các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công trình. Ban QLDA Giao thông tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và tiến độ thi công trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, không để xảy ra những sự cố công trình, các khiếm khuyết về chất lượng; chỉ đạo nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn và các đơn vị liên quan phải tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý chất lượng, kiểm soát nội bộ chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng của dự án; thường xuyên kiểm tra đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ theo quy định. Giám đốc Ban QLDA Giao thông tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về chất lượng và tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm do Ban làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng trên địa bàn; quán triệt quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 70/TB-UBND ngày 13/3/2023 và số 232/TB-UBND ngày 03/07/2023 của UBND tỉnh đến các chủ đầu tư, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý biết, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Khẩn trương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về công tác quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn theo chỉ đạo tại Thông báo số 408/TB-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh về ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án do các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án quán triệt quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 70/TB-UBND ngày 13/3/2023 và số 232/TB-UBND ngày 03/07/2023 của UBND tỉnh đến các đơn vị tư vấn, thi công và các tổ chức, cá nhân có liên quan biết để thực hiện; tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp để công trình xây dựng đạt chất lượng tốt, phù hợp theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các dự án, công trình xây dựng tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục và các quy định liên quan đến quản lý dự án, quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu...; công tác lựa chọn nhà thầu phải công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định, không quy định các tiêu chí, điều kiện không phù hợp, nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; phải chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của từng gói thầu theo quy định. Chú trọng công tác quản lý dự án, nâng cao chất lượng công trình xây dựng; công tác quản lý chất lượng công trình phải được quan tâm, tổ chức thực hiện ngay từ bước chuẩn bị đầu tư đến bàn giao công trình đưa vào sử dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công theo hợp đồng đã ký kết; thường xuyên kiểm tra việc bố trí nhân sự, thiết bị của nhà thầu theo hồ sơ thầu đã phê duyệt, xử lý nghiêm đối với các nhà thầu vi phạm (nếu có); hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng phải đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp theo quy định; thường xuyên kiểm tra đôn đốc các nhà thầu tuân thủ các điều khoản hợp đồng đã ký kết, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, không đáp ứng chất lượng, tiến độ theo quy định./.