Phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Bình Dương đã chú trọng đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) nhằm tạo lực thu hút đầu tư. Với hạ tầng đồng bộ, phù hợp nhu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các KCN đã giúp tỉnh Bình Dương tạo hấp lực mới để thu hút đầu tư hiệu quả.
Không gian xanh bên trong Khu công nghiệp VSIP2 ở Bình Dương.
Phát triển ổn định
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương có 33 KCN với tổng diện tích 14.790ha. Hiện nay, tỉnh đang có 29 KCN tập trung với tổng diện tích gần 12.663ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 10.963ha, có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 91,07%. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tình hình đầu tư vào các KCN tiếp tục đạt kết quả khả quan, đã thu hút 10.349 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước từ 19 dự án đầu tư mới và 4 dự án tăng vốn bổ sung. Cùng thời gian này thu hút 2,57 tỷ USD vốn FDI, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 47 dự án đầu tư mới với tổng vốn 1,6 tỷ USD và 113 dự án tăng vốn bổ sung thêm 974 triệu USD.
Tính chung đến nay, các KCN tại Bình Dương có 3.032 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.353 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28,1 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 88.210 tỷ đồng. Hiện đã có 2.546 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 2.053 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 493 doanh nghiệp đầu tư trong nước. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ước tính năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 20,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ; thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 564 triệu USD. Các doanh nghiệp trong KCN giải quyết việc làm cho 503.710 lao động, tăng 21.438 người so với năm 2021; thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng.
Ðánh giá kết quả đạt được, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng tình trạng lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN. Trong bối cảnh đó, Ðảng ủy, lãnh đạo Ban Quản lý đã quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn. Kết quả 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN được duy trì, khá ổn định; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng cao.
Thúc đẩy mô hình khu công nghiệp xanh
Thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững, tháng 3/2022, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam-Singapore (VSIP), là liên doanh giữa Tổng Công ty Becamex IDC và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp Development dẫn đầu, đã khởi công xây dựng KCN Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3) tại Bình Dương. Với quy mô rộng 1.000ha, VSIP 3 đánh dấu cột mốc quan trọng mới đối với liên doanh vì dự án này thực hiện việc chuyển đổi chiến lược theo hướng phát triển bền vững hơn. Với tầm nhìn là mô hình của một KCN thông minh và bền vững, VSIP 3 được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động tại KCN, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Ðiểm nổi bật khác của VSIP 3 là trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ rộng 50ha mang lại lợi ích về độ tin cậy và tính bền vững về việc cung cấp điện cho các khách hàng lớn tại KCN này.
Ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành Sembcorp Development, đồng Chủ tịch VSIP Group cho biết: VSIP 3 tại Bình Dương đánh dấu sự thay đổi đáng kể cho VSIP Group qua việc chuyển đổi để có thể phát triển bền vững hơn. Với thiết kế mới thông minh và bền vững, KCN sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng cùng người lao động. Với những tính năng bền vững một khi đưa vào vận hành sẽ giúp VSIP 3 tại Bình Dương trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững bậc nhất Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đóng góp một phần của mình thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo tại các dự án của VSIP.
Chuyển hướng phát triển theo mô hình KCN xanh, tại KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đang đẩy nhanh triển khai KCN khoa học và công nghệ theo lộ trình tiếp tục thực hiện đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương". Với quy hoạch là hệ sinh thái xanh, sạch, thu hút nguồn vốn đầu tư vào sản xuất có chọn lọc, nơi đây cũng tấp nập thu hút nhiều dự án mới trong năm 2022 với hàng trăm triệu USD, như: Dự án Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam (Samoa) nhằm sản xuất vải các loại (không nhuộm, giặt) với vốn đầu tư 35 triệu USD; dự án nhà máy Công ty TNHH A.J. Plast Việt Nam (Thái Lan) sản xuất màng định hướng hai chiều (màng BO) với vốn đầu tư hơn 33 triệu USD; nhà máy Công ty TNHH DSR Vina Bàu Bàng (Hàn Quốc) sản xuất các loại dây thép với vốn đầu tư 29 triệu USD...
Ngoài các KCN nêu trên, Bình Dương đang hoàn tất các bước thủ tục để khởi công xây dựng KCN Cây Trường với quy mô 700ha do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư. Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ: Cũng như việc xây dựng KCN khoa học công nghệ, KCN Cây Trường sẽ được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logistics, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động. Có như vậy mới giúp địa phương nơi có KCN phát triển ổn định, bền vững.
Tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ mới, gắn liền với quy hoạch vùng, Bình Dương đã xác định tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện nay sang mô hình phát triển công nghiệp-đô thị-dịch vụ theo hướng thông minh-bền vững, tỉnh sẽ xây dựng và nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 (như IoT, Big Data…) để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhằm gia tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường. Ðồng thời, tỉnh triển khai thực hiện mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ quốc tế gắn liền với khoa học và công nghệ, thu hút các viện-trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao..