Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, tuy nhiên đô thị hướng biển tại Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Chiều 3/8, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, Viện nghiên cứu bất động sản, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.
Gần 40 nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, quy hoạch, xây dựng đô thị tham gia hội thảo.
Dưới sự điều phối của Tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các đại biểu, chuyên gia dự hội thảo trình bày tham luận về các lĩnh vực trong quá trình phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam gồm thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam; phát triển đô thị ven biển xanh và bền vững: Giải pháp từ quy hoạch; Phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam; xây dựng trung tâm tài chính đô thị biển; phát triển thị trường bất động sản gắn với đô thị biển Việt Nam; đô thị biển: Tầm nhìn định hướng cho tương lai.
Tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn Quy hoạch phát triển đô thị ven biển, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2050, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Quá trình phát triển đô thị biển nhất thiết phải không tạo ra sự xung đột, tránh xung đột. Đô thị biển hiện đại của Việt Nam phải là đô thị mở, đô thị cảng biển, đô thị thông minh.
Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển.
PGS-TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)
Tuy nhiên, nhìn tổng thể đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà biển cả mang lại.
Thay vào đó, đô thị hướng biển tại Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp.
Với tinh thần cầu thị, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tin tưởng Hội thảo phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới được tổ chức lần này là cơ hội để giúp địa phương xác định những vấn đề cốt lõi, chiến lược trong phát triển đô thị bền vững, gắn kết, tạo chuỗi đô thị lớn đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, đáp ứng mục tiêu trước mắt và lâu dài.
“Hội thảo còn mở ra những hướng đi mới trong quá trình xây dựng đô thị thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Những đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường-đô thị là những kinh nghiệm quý giá để Quảng Nam khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, từng bước xây dựng các đô thị biển thật sự là nơi đáng sống, là hạt nhân để giúp địa phương từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khẳng định thế mạnh về biển của địa phương,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu kỳ vọng./.