Thành phố Hà Giang là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện địa hình và kết cấu hạ tầng so với các địa phương khác trong tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của tỉnh, cùng với những chủ trương, quyết sách của thành phố kinh tế luôn tăng trưởng khá, các lĩnh vực xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, diện mạo đô thị ngày một khang trang, sạch đẹp.
Diện mạo của thành phố ngày một xanh, sạch và đẹp hơn. Ảnh: PHI ANH
Tuy có nhiều thuận lợi, nhưng kinh tế của thành phố tăng trưởng thiếu ổn định, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò của một trung tâm tỉnh lỵ, công tác thu hút đầu tư phát triển đô thị chưa thực sự hiệu quả… Nguyên nhân được thành phố xác định là từ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc, đô thị còn hạn chế, các đồ án quy hoạch thiếu tính ổn định, tính dự báo, định hướng phát triển chưa sát với tình hình thực tiễn, dẫn tới các dự án đầu tư khi triển khai gặp nhiều bất cập, làm chậm quá trình thu hút đầu tư. Nguồn lực đầu tư cho thành phố chưa tương xứng, thiếu tập trung; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính, đầu tư đặc thù…
Đồng chí Hầu Minh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố, cho biết: Xác định được những khó khăn, hạn chế của thành phố, ngày 1.6.2022, BCH Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết về phấn đấu xây dựng thành phố Hà Giang đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II, với quan điểm: Xây dựng và phát triển thành phố Hà Giang trở thành đô thị loại II là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ưu tiên tập trung huy động nguồn lực cho phát triển đô thị; xây dựng thành phố Hà Giang trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, có vai trò thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Giang đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025 và từng bước đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên, thành phố Hà Giang đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở để thực hiện kế hoạch hóa đầu tư, thu hút các dự án đầu tư và quản lý quá trình phát triển đô thị, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố. Cùng với đó, thành phố cũng quyết liệt chỉ đạo, tăng cường quản lý đô thị, trật tự xây dựng, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn được quy hoạch, triển khai thực hiện trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: Cùng với các nhiệm vụ quan trọng khác, phát triển KT-XH được Thường trực UBND thành phố tập trung triển khai thực hiện theo hướng phát triển nhanh, bền vững thương mại, dịch vụ, lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị; trong đó quy hoạch 4 vùng sản xuất tại xã Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ và phường Ngọc Hà để phát triển hàng hóa nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa gắn với hình thành và phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 có 1 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, duy trì và phát triển các trường chuẩn, chất lượng cao. Giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn thành phố, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như du lịch nông trại, trải nghiệm, mạo hiểm... Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Nhằm xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đô thị tương thích với quy mô dân số, đáp ứng các tiêu chí về chuẩn đô thị loại II và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, thành phố đang tập trung thu hút, ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Trung tâm hành chính - chính trị mới thành phố Hà Giang; Khu Liên hợp thể thao và Sân vận động tỉnh; Trung tâm Thương mại, khách sạn và nhà ở Trần Phú, Minh Khai. Các khu đô thị mới Hà Phương, Phú Hưng, Ngọc Hà, Bắc Sông Miện; Khu dân cư tổ 2, phường Quang Trung; Khu đô thị dân cư mới Phương Thiện; điểm du lịch tâm linh núi Cấm; điểm du lịch sinh thái Chum Vàng - Chum Bạc…
Cùng với phát triển hạ tầng đô thị, thành phố cũng đặc biệt quan tâm, ưu tiên cải tạo hành lang xanh ven sông Lô, sông Miện; sử dụng quỹ đất ven sông chưa xây dựng và quỹ đất sau khi di dời các công trình hành chính để tổ chức xây dựng không gian cây xanh vườn hoa, bãi đỗ xe, tập kết chung chuyển rác thải; nghiên cứu, phát triển các tuyến phố đi bộ tại khu vực Quảng trường 26/3 và dọc theo hai bên bờ sông Lô, gắn với khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ công cộng để phát triển du lịch và nâng cao bản sắc đặc trưng đô thị. Quy hoạch phát triển hệ thống công viên cây xanh gắn với tiêu chí phát triển xanh tạo ra nét đặc trưng của đô thị miền núi; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Giang, gắn với thực hiện Đề án thay thế, trồng mới cây xanh đường phố…
Trở thành đô thị loại II đang là mục tiêu được cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang nỗ lực thực hiện, nhân dân đồng lòng ủng hộ. Nhưng để trở thành đô thị loại II vào năm 2025 rất cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và của tỉnh.