Sáng 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Viện chiến lược phát triển, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp và Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế tổ chức Hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có ông Đinh Thanh Tâm, Vụ Phó Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT); lãnh đạo Sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn giới thiệu nội dung gồm: phương án phát triển; khâu đột phá phát triển; mô hình phát triển và tăng trưởng của tỉnh; không gian đô thị; phương án phân vùng liên huyện; định hướng ưu tiên không gian phát triển theo hành lang, khu đô thị và nông thôn; phân vùng phát triển nông nghiệp, công nghiệp; Phương án phát triển hệ thống du lịch, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phân bổ và khoang vùng đất đai.
Liên danh tư vấn phát triển kinh tế trình bày báo cáo quy hoạch phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, quan điểm lập quy hoạch tỉnh Đắk Lắk kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của quốc gia và vùng.
Phát triển tỉnh Đắk Lắk dựa trên 3 nền tảng đặc trưng cơ bản: Nền tảng sinh thái "Đất- Nước- Rừng”; Nền tảng bản sắc văn hóa Tây Nguyên; Nền tảng kinh tế xanh, tuần hoàn. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với một không gian xanh - hiện đại - văn minh, đô thị thông minh - cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế.
Ông Đinh Thanh Tâm, Vụ Phó Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ KHĐT yêu cầu Đắk Lắk đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đồng thời làm rõ mục tiêu tập trung lĩnh vực nào để trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Phương án phân vùng liên huyện, Tiểu vùng I (vùng Trung tâm) vùng tác động mạnh của đô thị hóa, trong mối liên kết, lan tỏa giữa TP Buôn Ma Thuột và các huyện phụ cận; Tiểu vùng II (vùng phía Bắc) là tiểu vùng phía Bắc của tỉnh (vùng kinh tế sản xuất nông lâm nghiệp). gồm Thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Buk, Krông Năng, Ea Súp và Ea H' Leo; Thị xã Buôn Hồ là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh; Tiểu vùng III (vùng Đông Nam) gồm huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk. Thị xã EaKar được xác định là trung tâm tiểu vùng. Đây sẽ là vùng kinh tế tổng hợp phát triển nông lâm nghiệp và phát triển du lịch.
Mô hình phát triển và tăng trưởng tỉnh Đắk Lắk
Để thu hút nguồn lực, tư vấn đề xuất các đột phá phát triển về chính sách gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tài chính công; Xây dựng chính sách đào tạo nhân lực và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Về liên kết phát triển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm để thúc đẩy liên kết vùng, phát triển mạnh thương mại, du lịch, công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Lào, các tỉnh của Campuchia; Xây dựng tuyến cao tốc qua các tỉnh Tây Nguyên đến TP Hồ Chí Minh.
Mục tiêu hướng đến trong thời kỳ 2021-2030, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh 1,5%-2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hàng năm 3-4%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021-2030 là 11%; Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số tăng dần, bám sát chỉ tiêu cả nước, năm 2030 đạt 20%. ...
Tham gia ý kiến tại hội thảo, các Sở, ngành cho rằng, cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực đảm bảo tính kết nối mở tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đối với Thành phố Buôn Ma Thuột, cần xác lập vị trí trung tâm theo hướng sinh thái, mở rộng tầm nhìn chú trọng dân số, không gian địa giới, phát huy tiềm năng ...
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn tiếp tục quan tâm bổ sung hạ tầng giao thông trọng điểm; bổ sung liên kết tuyến Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột; làm rõ thêm mục tiêu phát triển quy hoạch Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên tập trung phát triển vào lĩnh vực logictics, y tế; bổ sung cơ chế ưu tiên cho ngành lĩnh vực của Bộ, ngành; phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế pháp lý cho đất rừng mà không có rừng; kinh tế số; thủy lợi nguồn nước hệ thống hồ, suối mở rộng cho việc hành lang đô thị; di dời Cụm Công nghiệp Tân An; Tập trung đầu tư các dự án chức năng vùng tại thành phố Buôn Ma Thuột, đảm bảo đáp ứng tốt vị trí, vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Nâng cấp hạ tầng thị xã Buôn Hồ ...
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thống nhất với định hướng quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do đơn vị tư vấn phối hợp với Sở, ngành, địa phương xây dựng. Thời gian tới, đề nghị các Sở, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược dài hạn làm sơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội; tích cực góp ý bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần lưu ý phù hợp cập nhật quy hoạch ngành, tham vấn thêm ý kiến từ các Bộ, ngành quản lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát lại hành lang phát triển kinh tế trước ngày 23/3/2022, tổ chức hội thảo Quy hoạch lần thứ 2 giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 ưu tiên tập trung thảo luận những vấn đề trọng tâm còn chưa thống nhất để sớm tham mưu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trên cơ sở gợi mở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng tiến độ trình quy hoạch từ tháng 3-7/2022; chủ trì xây dựng bổ sung 6 nhiệm vụ kinh tế cần ưu tiên như: phát triển khu công nghiệp, phân vùng liên huyện, đô thị nông thôn, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; tích hợp trong quy hoạch không quá chi tiết, đảm bảo chất lượng đi cùng với tiến độ đã đề ra.