Sáng 30-11, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội”.
Hội thảo nhằm xác định cơ sở đầu vào và làm định hướng cho việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp” do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thực hiện trong giai đoạn 2021-2022, hướng tới đưa ra các giải pháp quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành Hà Nội. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện; các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan.
Đánh giá đề tài có ý nghĩa thiết thực trong quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Ủy viên Thường vụ Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, trong quá trình phát triển, bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên bị chiếm dụng, thì nhiều kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa làng quê đã bị mai một. Nhiều làng xã trở thành “phố làng”, nhiều khu đô thị mi ni trong lòng nông thôn khiến nhiều nơi bị đô thị hóa một cách khiên cưỡng. Nhiều làng nghề, nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền... Vì vậy, cần dự báo trước sự phát triển để đưa ra các giải pháp quy hoạch và định hướng cho việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, tránh làm mất đi giá trị di sản, bản sắc kiến trúc, cảnh quan hiện có, kế thừa và phát huy hiệu quả giá trị bản sắc đó.
Chia sẻ một số tồn tại, thách thức trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại huyện ven đô Hà Nội, Thạc sĩ kiến trúc Triệu Đình Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì cho biết, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị. Công tác quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị; còn tình trạng xây dựng lộn xộn, phá vỡ văn hóa làng xã nông thôn do đô thị hóa...
Góp ý về thiết kế cảnh quan tại các huyện của thành phố, TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra một số nguyên tắc thiết kế. Một là, khai thác tính bản địa, giá trị đặc trưng gắn với yếu tố địa hình, hệ thống thủy văn. Hai là bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan văn hóa, bổ sung những yếu tố cảnh quan mới nhằm đáp ứng nhu cầu và lối sống hiện đại của cư dân. Ba là nâng cao giá trị khu vực sản xuất nông nghiệp thông qua việc khai thác không gian này theo hướng đa chức năng, biến các không gian sản xuất thành những không gian cảnh quan hấp dẫn, từ đó tạo ra những vùng sản xuất kết hợp với phát triển dịch vụ, du lịch...
Đánh giá đề tài có ý nghĩa quan trọng cho UBND thành phố, cũng như khẳng định trên lãnh thổ Việt Nam ít nơi nào có vùng ngoại vi đặc sắc, phong phú như Hà Nội, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, khu vực nông thôn chiếm tới 70% diện tích Thủ đô. Vì vậy, nghiên cứu cần làm rõ tính bản địa của khu vực nông thôn Hà Nội; tách biệt làng nghề truyền thống với khu vực nông thôn thuần túy để bảo tồn, phát huy giá trị...
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn nêu ý kiến, khu vực ngoại thành Hà Nội tuy chiếm tới 70% diện tích Thủ đô song không phải là một thể thống nhất, mà có nhiều phân khu khác nhau với những đặc tính, điều kiện tự nhiên khác nhau: Đồng bằng, trung du, miền núi. Do đó, cần xem xét các tiêu chí, giải pháp áp dụng chi tiết cho từng khu vực. Trong đó, có thể phân thành 2 khu vực lớn là khu vực ngoại thành quá độ trong 10-15 năm nữa thành đô thị và khu vực ngoại thành ổn định theo Quy hoạch chung. Từ đó, chú trọng các giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đối với từng vùng...
Kết luận hội thảo, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học và cho biết, Sở sẽ tổng hợp, tiếp tục củng cố, nghiên cứu trong quá trình thực hiện tiếp theo của đề tài, qua đó định hướng các giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan các huyện của thành phố trong thời gian tới.