UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 181/KH-UBND thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện phát triển bền vững góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.
Hệ thống đê biển Cát Hải được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 phải giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020. Lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai được nâng cấp theo hướng đồng bộ, liên thông; 100% khu vực trọng điểm xung yếu phòng chống thiên tai được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Theo nội dung của Kế hoạch, UBND thành phố đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: tổ chức triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai theo quy định; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai và tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ, cơ quan nghiên cứu khoa học để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm.
UBND thành phố yêu cầu, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai Kế hoạch, nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Phòng chống thiên tai phải thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phát huy nguồn lực và trách nhiệm cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp…