Với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Tuy vậy, trước tốc độ phát triển đô thị nhanh như hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, TTXD. Trong khi cán bộ quản lý xây dựng ở cấp huyện, xã hạn chế về số lượng, chuyên môn, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước rất cần củng cố, tăng cường lực lượng này.
Theo báo cáo của cấp huyện trong giai đoạn 2018 - 2020, số công trình được khởi công xây dựng là 4.920 công trình. Việc kiểm tra chủ yếu thực hiện một lần khi mới khởi công xây dựng công trình nên rất ít phát sinh các lỗi vi phạm về TTXD ở thời điểm này. Các lỗi vi phạm về TTXD chủ yếu xảy ra trong quá trình thi công như: Xây dựng kiến trúc mặt ngoài công trình không đúng thiết kế, tăng diện tích sàn, tăng số tầng... Qua thống kê ba năm liên tiếp, số công trình vi phạm được phát hiện và xử lý là 363 trường hợp, chủ yếu do nhân dân phát hiện báo cáo chính quyền các cấp để xử lý.
Vấn đề đặt ra từ thực tiễn quản lý thì tất cả các công trình xây dựng cần được giám sát, quản lý thường xuyên theo đúng giấy phép xây dựng được cấp để kịp thời ngăn ngừa những vi phạm phát sinh. Tuy nhiên, tại các huyện tình hình quản lý quy hoạch xây dựng, TTXD còn rất khó khăn do không có cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ trực tiếp. Cán bộ, công chức phòng Kinh tế và Hạ tầng với số lượng hạn chế được giao thực hiện nhiệm vụ của 4 ngành (Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Công thương, Khoa học và Công nghệ) nên việc đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác quản lý quy hoạch, TTXD chưa đáp ứng được tốc độ phát triển đầu tư xây dựng trên địa bàn quản lý. Trong khi đó, công chức xây dựng cấp xã kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế về quản lý TTXD không đồng đều (số lượng cán bộ, công chức cấp xã có chuyên môn về xây dựng là 25/132 người, chỉ chiếm 18,9%). Dẫn đến chưa thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm TTXD, biện pháp xử lý chưa đủ tính răn đe…
Khu đô thị mới thị trấn Phố Mới (Quế Võ).
Từ thực trạng trên, một thực tiễn đặt ra: Nếu quản lý quy hoạch, trật tự đô thị chưa tốt, chưa thực sự bài bản, xuyên suốt trong quá trình phát triển đô thị của các huyện, thị trở thành thị xã, thành phố thì hậu quả sẽ là một đô thị phát triển không đồng bộ, công trình vi phạm TTXD làm méo mó kiến trúc đô thị. Mặt khác, đến khi có nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (đường sắt trong đô thị, đường ngầm kết nối không gian đô thị, xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ cho thành phố thông minh…) sẽ khó thực hiện bài bản theo quy hoạch được duyệt.
Để tăng cường năng lực quản lý quy hoạch xây dựng của UBND cấp huyện, Sở Xây dựng kiến nghị tỉnh bổ sung thêm nhiệm vụ đối với Viện Quy hoạch, Kiến trúc Bắc Ninh như sau: “ Phục vụ quản lý Nhà nước về công bố, công khai các quy hoạch xây dựng; quản lý hồ sơ các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; quản lý TTXD”. Thành lập Tổ công tác phục vụ quản lý Nhà nước về xây dựng thuộc Phòng quản lý xây dựng các huyện do Sở Xây dựng và UBND cấp huyện đồng thành lập. Dự kiến, lực lượng này sẽ là “cánh tay nối dài” của ngành Xây dựng về quản lý xây dựng tại các địa phương. Giúp ngành nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xây dựng là nòng cốt của đội trật tự đô thị.
Bắc Ninh hiện nay đang có 9 đô thị: 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thị xã Từ Sơn), 2 đô thị loại IV (Phố Mới mở rộng, Hồ mở rộng), 5 đô thị loại V (thị trấn Lim, thị trấn Chờ, Gia Bình, Lương Tài, Nhân Thắng); đang tiến hành thành lập thành phố Từ Sơn; thị xã Thuận Thành, Quế Võ; nâng đô thị Tiên Du, đô thị Yên Phong lên đô thị loại IV tiến tới thành lập thị xã Tiên Du, thị xã Yên Phong. Nếu được tăng cường lực lượng, công tác quản lý quy hoạch, TTXD sẽ góp phần quan trọng hình thành các đô thị đồng bộ, hiện đại, đúng quy hoạch và TTXD, đáp ứng mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.