Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp thẩm định. - Ảnh: VGP
Sáng 23/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.
Trước đó, ngày 22/3, cuộc họp tương tự với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã diễn ra. Đây là những buổi họp thẩm định quy hoạch tỉnh đầu tiên trong cả nước trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc lập quy hoạch thời kỳ này tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, nhất là phải đòi hỏi tính linh hoạt, chặt chẽ cao. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch cả nước, cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhưng các quy hoạch này lại chưa được làm, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép làm đồng thời các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy trình thực hiện theo phương pháp “đúng dần”; đồng thời, khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt thì quy hoạch cấp dưới khi có mâu thuẫn, xung đột với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên. Thời kỳ quy hoạch thống nhất với tất cả các địa phương là thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo các quy hoạch thống nhất với nhau.
Hiện 61/63 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang tiến hành xây dựng quy hoạch. Tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm công tác quy hoạch trong khoảng gần 10 năm trở lại đây và đạt mức tăng trưởng rất cao trong nhiệm kỳ vừa qua nhưng đang chững lại, đòi hỏi thay đổi, lựa chọn ngành nghề phát triển, bố trí lại không gian phát triển để có động lực bứt phá trong thời gian tới.
Đặc biệt quan tâm phát triển bền vững từ sự cố Formosa
Theo báo cáo Quy hoạch, Hà Tĩnh đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững bởi địa phương từng chứng kiến hậu quả nghiêm trọng từ sự cố môi trường, do đó, Quy hoạch được xây dựng theo hướng biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như là lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.
Bên cạnh những yếu tố bất lợi như kinh tế nhỏ lẻ và phân mảnh, nguồn lực con người còn hạn chế, xa các cụm công nghiệp lớn trong nước…, tỉnh xác định một số lợi thế thúc đẩy khác như mạng lưới nhân tài gốc Hà Tĩnh; vị trí và các cảng chiến lược; vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Xuân Dũng khẳng định Quy hoạch được xây dựng nghiêm túc, bài bản nhưng còn rất nhiều nội dung cần bổ sung, làm sao để phát huy được tiềm năng địa phương, thích nghi, ứng phó với thiên tai.
Tỉnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực là khu kinh tế Vũng Áng.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Cần bổ sung thêm nhiều luận cứ và cơ sở khoa học
Báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh đề cập 3 phương án tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2030: Tăng trưởng bình thường (không phát huy được tất cả tiềm năng của tỉnh để trở thành một cực kinh tế quan trọng của cả nước); tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hóa nặng (không bền vững vì tạo áp lực lớn về môi trường); và tăng trưởng Hà Tĩnh xanh. Trong cả 3 phương án, mỏ sắt Thạch Khê đều đóng tạm thời ít nhất 50 năm.
Theo tỉnh Hà Tĩnh, phương án “tăng trưởng xanh” tạo sự đồng bộ giữa nâng cao sản lượng thép với phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, tạo dư địa để chuyển đổi sang các ngành khác, giảm sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa. Theo phương án này, Hà Tĩnh dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt trên 9% trong 10 năm tới.
Theo ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo quy hoạch của Hà Tĩnh đã hướng tới sự đổi mới, dựa trên hệ thống số liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển. Báo cáo quy hoạch công phu, nghiêm túc; đánh giá toàn diện thực trạng các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh, từ đó đưa ra các quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển…
Tuy nhiên, qua tổng hợp các ý kiến, Thường trực của Hội đồng thẩm định chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm, như đánh giá tác động, ảnh hưởng của thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu.
“Báo cáo quy hoạch lựa chọn phương án phát triển ở mức cao, 9% trong giai đoạn 2021-2030, nhưng cần bổ sung thêm luận cứ và cơ sở khoa học của việc đề xuất các mục tiêu quy hoạch bảo đảm khả thi và là cơ sở chuẩn xác cho các tính toán về cân đối nguồn lực liên quan”, ông Đinh Trọng Thắng phát biểu.
Đi vào cụ thể, báo cáo thẩm định đề nghị tỉnh Hà Tĩnh làm rõ nhiều nội dung khác như tính khả thi của phương án tăng công suất sản lượng thép của dự án Formosa lên 15 triệu tấn/năm; xác định rõ nhu cầu và khả năng cân đối phụ tải điện trên địa bàn khi nhu cầu điện rất lớn… Báo cáo cũng chưa làm rõ được sự cần thiết và luận cứ của việc đề xuất xây dựng sân bay và tuyến đường bộ cao tốc Vũng Áng – Cha Lo.
Số lượng dự án ưu tiên trong quy hoạch cũng rất lớn, đề nghị bổ sung làm rõ hơn cơ sở đề xuất tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định và các ý kiến chuyên gia phản biện cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quản lý số và khả năng thu hút, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.