Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Cùng tham gia buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Giám đốc Công an Thành phố Nguyễn Hải Trung; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cùng lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.
Phấn đấu lên quận vào năm 2023
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Năm 2020, huyện Thanh Trì đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, đồng thời tập trung thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất của huyện tăng 8,2%; thu ngân sách đạt trên 1.727 tỷ đồng, vượt gần 20% so với dự toán Thành phố giao. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện trong năm 2020, đạt 149,6% so với kế hoạch Thành phố giao, đứng thứ 4 trong tổng số 30 quận, huyện và đứng thứ 2 trong khối các huyện ngoại thành.
Quý I/2020, huyện Thanh Trì tập trung chăm lo Tết cho nhân dân; tiếp tục tổ chức các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách đến ngày 15/3/2021 đạt 624,9 tỷ đồng, đạt 36,4% kế hoạch; ước thực hiện trong quý I/2021 là 702 tỷ đồng, đạt 40,9% kế hoạch. Huyện cũng hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng 28 dự án, khởi công mới 14 dự án; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao nhận quân, với 166 tân binh về các đơn vị quân đội, công an...
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường báo cáo tại buổi làm việc
Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, đến nay, huyện và 16/16 xã, thị trấn đã hoàn thành việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND huyện. Huyện cũng đã giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp để MTTQ huyện chuẩn bị hiệp thương lần 2; hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử...
Đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Đến nay, huyện có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí và 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đối với các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Còn đối với các tiêu chí xã lên phường, đến nay, Thanh Trì có 8/18 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí chưa đạt.
Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân 12-14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận. Ngoài ra, quận đã xác định danh mục các dự án đầu tư về hạ tầng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội... với tổng nhu cầu kinh phí của huyện trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 11.214 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thanh Trì kiến nghị với Thành phố 6 nhóm kiến nghị lớn, với gần 30 kiến nghị cụ thể. Trong đó, về phân cấp quản lý nhà nước, huyện kiến nghị Thành phố sớm sửa đổi Quyết định 41/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố theo hướng phân cấp cho huyện quản lý và đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị cấp khu vực hoặc các tuyến đường giao thông tại các vùng quy hoạch phát triển đô thị nằm trong địa giới hành chính của huyện, có mặt cắt ngang dưới 25m. Phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế phát sinh trên địa bàn, như thuế tài nguyên, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Về quy hoạch, huyện kiến nghị Thành phố điều chỉnh một số đồ án phân khu đô thị, như S4, S5, H2-3, H2-4... theo hướng tăng diện tích đất đô thị, tăng chiều cao và mật độ xây dựng. Với lĩnh vực đầu tư, Thanh Trì kiến nghị bố trí vốn thực hiện trong năm 2021 dự án nâng cấp, cải tạo đường Ngũ Hiệp đi Đông Mỹ; giao huyện làm chủ đầu tư 2 dự án: Nâng cấp, mở rộng đường Tựu Liệt và đường tránh Phan Trọng Tuệ (từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Ngọc Hồi); triển khai dự án cầu qua sông Nhuệ, nối đường Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai với khu đô thị Cienco 5; giao nhiệm vụ cho huyện lập chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đê Hữu Hồng và đê sông Nhuệ; sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển), đường vành đai 3,5 (đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); đường 70 (từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) và đường nối đường Chiến Thắng kéo dài đến đường Nguyễn Xiển - Xa La...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, bên cạnh sự quan tâm, điều tiết cơ cấu thu ngân sách của Thành phố, huyện cần phát huy nội lực của mình bằng cách hỗ trợ, tạo điều kiện để 10 nghìn hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn có thể phát triển lên thành doanh nghiệp, thông qua đó vừa tạo việc làm, vừa tạo nguồn thu bền vững. Thống nhất với những kiến nghị, đề xuất của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành Thành phố cần quan tâm, hỗ trợ huyện; tăng cường phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho huyện...
Phân tích kỹ tiềm năng, lợi thế để phát triển
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các sở, ngành, lãnh đạo Thành phố, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần, khát vọng vươn lên của huyện Thanh Trì. Trên thực tế, trong một vài năm trở lại đây, huyện đã có sự khởi sắc trên nhiều mặt. Tuy vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị, huyện Thanh Trì cần rà soát lại toàn bộ những tiềm năng, lợi thế phát triển, nhất là vị trí địa lý, nguồn lực đất đai (hơn 62km2), tiềm lực về con người (khoảng 280 nghìn dân), những tiềm năng về văn hóa, các làng nghề truyền thống... Cùng với đó, phân tích kỹ những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển lên quận, như về đội ngũ cán bộ, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, xuất phát điểm cũng còn thấp (tỷ lệ đô thị hóa mới trên 20%)...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện bám sát Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành phố, nhất là các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế số, phát triển đô thị, kinh tế đô thị... để cập nhật, sửa đổi, bổ sung vào chiến lược phát triển của huyện, trên cơ sở đó trong quá trình phát triển lên quận, Thanh Trì cần đi thẳng vào xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại và giàu đẹp. “Phát triển đô thị phải gắn với kinh tế đô thị, tránh tình trạng những đô thị long lanh, nhiều nhà chọc trời nhưng thu nhập bình quân đầu người lại thấp”, Bí thư Thành ủy lưu ý.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu huyện Thanh Trì tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu phát triển từ huyện lên quận, xã lên phường. Đồng thời, quan tâm hơn đến công tác thông tin, truyền thông để khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển. Trước mắt, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện tập trung tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của huyện Thanh Trì, Bí thư Thành ủy cho biết Thành phố chuẩn bị điều chỉnh một loạt quy định về đầu tư công, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, về phân cấp đầu tư... với tinh thần phân cấp mạnh hơn cho các quận, huyện, thị xã.
Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã trao 250 triệu đồng để xây dựng 5 nhà đại đoàn kết trên địa bàn huyện Thanh Trì.