Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng của Hà Nội dự kiến được ban hành vào tháng 6 tới sẽ tác động đến địa giới của 55 phường, xã và 13 quận huyện, với khoảng 300.000 người dân sống ngoài bãi sông. Nếu thực hiện được thành công các ý tưởng trong đồ án lần này, Hà Nội sẽ lập nên "kỳ tích đô thị xanh" thời hiện đại.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhất trí cao về chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) để xin ý kiến các bộ ngành và dự kiến ban hành vào tháng 6-2021.
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11 nghìn ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280-320 nghìn người.
Đáng chú ý, trong số 8 bãi sông được đề cập trong đồ án, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Hai khu vực Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở…
Nêu quan điểm về đồ án quy hoạch đang rất được chờ đợi này, trên báo An ninh Thủ đô, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, tính từ năm 1954 đến nay, đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng.
Lần này, quy hoạch phân khu sông Hồng thực hiện theo đúng lộ trình, được kiểm soát chặt chẽ hơn. Bản quy hoạch lần này đã kế thừa toàn bộ những thành quả của các nghiên cứu trước đó và có thể nói là bản quy hoạch hoàn thiện nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, quy hoạch lần này đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của Thành phố. Như vậy, phải phát triển sông Hồng chảy giữa thành phố, các vùng đều phát triển đồng bộ.
“Sắp tới, sẽ có một số huyện như Gia Lâm, Đông Anh thành quận, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn, việc xây thêm các cây cầu có tác dụng rất lớn để tạo động lực cho khu vực tả ngạn (phía Bắc sông Hồng) phát triển, giúp giãn dân nội đô, tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội” – Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia này, theo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, vùng đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích) và 1.190 ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư… Những con số này cho thấy, Hà Nội sẽ có một quỹ đất khá lớn để có thể phát triển hạ tầng phục vụ nhu cầu an sinh xã hội.
“Với những thuận lợi, kinh nghiệm và nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội, hy vọng quy hoạch sớm được phê duyệt. Khi đó sẽ tạo đột phá cho phát triển của Thủ đô. Đồng thời, giúp quản lý dân cư có hiệu quả, nâng chất lượng sống cho người dân và chắc chắn đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư” – ông Nghiêm nói thêm.
Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội là rất cần thiết để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với quy mô diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, ý tưởng đầu tiên của đồ án lần này là muốn tổ chức lại không chỉ không gian cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông một cách quy củ, rõ ràng, mà còn đảm bảo sinh kế cho hàng chục nghìn hộ dân ở đây.
Để các ý tưởng trong quy hoạch phân khu sông Hồng trở thành hiện thực, Kiến trúc sư Ngô Trung Hải cho rằng, đầu tiên Hà Nội cần cải tạo lại toàn bộ không gian hai bên bờ sông Hồng thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, lá phổi xanh.
Cùng đó, phải thực hiện được mục tiêu chỉnh trị sông Hồng, phòng chống lũ kết hợp với hệ thống giao thông dọc, ngang kết hợp các tuyến đê và cầu. Đặc biệt, phải đảm bảo cho người dân đang sinh sống ở dọc hai bên bờ sông có nơi sống tốt hơn, ổn định hơn, hạ tầng xã hội cũng như môi trường sống được cải thiện hơn.
“Nếu thực hiện được thành công các ý tưởng trong đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng lần này, Hà Nội sẽ lập nên "kỳ tích đô thị xanh" thời hiện đại” - Kiến trúc sư Ngô Trung Hải nói.