Ban Đô thị HĐND thành phố Cần Thwo vừa tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, nông thôn trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy nhiều nhà máy, trạm cấp nước sạch với thiết bị hiện đại đã được đầu tư, công suất đảm bảo đủ lượng nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng.
Đoàn giám sát của Ban đô thị HĐND thành phố khảo sát hệ thống cấp nước tập trung tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 12 nhà máy cấp nước đô thị, với tổng công suất thiết kế khoảng 174.420m3/ngày đêm. Ðến nay, tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch đạt 97,4%, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 98%. Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các nhà máy cấp nước trên địa bàn đô thị đã hoạt động đủ công suất thiết kế, đảm bảo cung cấp nước sạch trên cơ sở quy mô dân số hiện tại. Ðể đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp trong tương lai, thành phố đã kêu gọi đầu tư các nhà máy cấp nước theo lộ trình. Cụ thể, theo quy hoạch cấp nước thành phố được duyệt, dự báo đến năm 2025 nhu cầu dùng nước trên địa bàn đô thị khoảng 367.500m3/ngày đêm...
Ðại biểu trong đoàn giám sát băn khoăn vì vị trí một số nhà máy nước gần các khu công nghiệp, khu dân cư, liệu chất lượng nguồn nước có đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng? Ông Trần Thanh Cần, Chủ tịch HÐND quận Cái Răng, thành viên Ban Ðô thị HÐND thành phố, nói: "Theo quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước có quy mô từ 100m3/ngày đêm đến dưới 50.000m3/ngày đêm ở khu vực đồng bằng, trung du tối thiểu về phía thượng lưu là 800m, về phía hạ lưu là 200m không được đặt cống xả thải. Mặc dù vậy, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy một số nhà máy nước ở các khu công nghiệp sử dụng nguồn nước thô bơm từ sông lên xử lý để người dân sử dụng". Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng tình trạng nuôi cá lồng, bè trên sông cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn nước mặt bị ô nhiễm. Các đại biểu đề nghị ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cá nhân, những nơi tập trung nuôi cá lồng, bè trên sông để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt.
Liên quan đến việc cung cấp nước sạch nông thôn (do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quản lý), ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, cho biết: "Ngành đang quản lý, vận hành, khai thác 161 trạm cấp nước, với tổng công suất thiết kế 71.000m3/ngày đêm. Hiện tại, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch nông thôn đạt 84,5%, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 85,5%". Vấn đề chất lượng nguồn cung cấp nước sạch ở nông thôn cũng được các thành viên đoàn giám sát quan tâm. Ông Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, cho biết: "Theo quy định của Bộ Y tế, các nhà máy nước cung cấp nước sạch phải kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa ra cho người dân sử dụng. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 13 nhà máy nước lớn trên 1.000m3 đã thực hiện lấy mẫu nước xét nghiệm đúng quy định. Nhưng các trạm cấp nước dưới 1.000m3, chưa thực hiện tốt việc lấy mẫu nước xét nghiệm theo định kỳ. Tôi đề nghị các đơn vị cung cấp nước phải thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về các chỉ tiêu xét nghiệm nước và tần suất xét nghiệm nước góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nước trước khi đưa ra cho người dân sử dụng".
Qua giám sát, Ban Ðô thị HÐND thành phố Cần Thơ cũng nhận thấy việc chuyển giao cung cấp nước nước sạch tại các khu vực phường (thuộc quận), thị trấn (thuộc huyện) đang sử dụng nước sạch từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sang các Công ty cấp nước sạch đô thị gặp nhiều khó khăn, vướng về thủ tục chuyển giao tài sản. Do chậm chuyển giao đơn vị cung cấp nước, một số nơi, người dân thiếu nước sạch sử dụng. Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố, thành viên Ban Ðô thị HÐND thành phố, đề nghị: "Các đơn vị cung cấp nước sạch cần rà soát nhu cầu nước sạch ở khu vực đô thị và nông thôn để có kế hoạch đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân sử dụng. Hiện nay, an ninh nguồn nước là vấn đề được quan tâm, tôi đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng xem xét hạn chế tối đa việc khai thác, sử dụng nước dưới đất (nước ngầm), tăng cường khai thác nước mặt, góp phần bảo vệ nguồn nước trên địa bàn thành phố".
Ban Ðô thị HÐND thành phố đã đề nghị Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư nước sạch cho người dân sử dụng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nước sạch đô thị, nông thôn. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp xả thải ra sông, rạch để đảm bảo nguồn nước mặt không bị ô nhiễm; có kế hoạch duy tu, sửa chữa và liên thông hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân sử dụng…