Xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh: Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động

Thứ sáu, 25/09/2020 14:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Là đô thị đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Vì thế, thành phố đang tập trung triển khai các đề án nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, phù hợp với thực tiễn phát triển.

Chính quyền đô thị sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng chính quyền đô thị với 2 đề án

Từ năm 2009 đến năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường).

Theo Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh, kết quả thí điểm cho thấy, quyền làm chủ của nhân dân luôn được bảo đảm và không ngừng phát huy thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố, một số mặt thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính.

Trước đòi hỏi giải quyết các vấn đề lớn của đô thị, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của thành phố đối với vùng và cả nước, thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hai đề án của chính quyền đô thị gồm: Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại thành phố Hồ Chí Minh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019-2021 (bao gồm sắp xếp 3 quận thành đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức).

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND thành phố Hồ Chí Minh) Cao Thanh Bình, nhiều đại biểu HĐND quận, phường hoạt động không thực sự hiệu quả. Trong khi đó, đại biểu HĐND thành phố được cơ cấu, tuyển chọn chuyên sâu ở từng lĩnh vực, địa bàn. “Mô hình không tổ chức HĐND quận, phường là cần thiết với thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là cách phát huy hơn nữa vai trò của các đại biểu, các ban của HĐND thành phố”, ông Cao Thanh Bình nói.

Ủng hộ mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình chính quyền đô thị với nguyên tắc tập trung, thống nhất, trực tiếp sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay như quá tải hồ sơ thủ tục hành chính, nhiều tầng nấc trung gian, bộ máy phình to...

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, với Đề án không tổ chức HĐND quận, phường, thành phố đề nghị thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường tại 19 quận, 259 phường. Trường hợp thành lập thành phố thuộc thành phố Hồ Chí Minh (trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức) thì thành phố thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận, 259 phường.

“Khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được bảo đảm và duy trì ở mức độ cao. Vì vậy, thành phố kiến nghị trung ương được triển khai thực hiện từ ngày 1-7-2021”, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết.

Với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019-2021, thành phố có 10 đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện sắp xếp gồm: 3 phường thuộc quận 2; 1 phường thuộc quận 3; 2 phường thuộc quận 4; 1 phường thuộc quận 5; 1 phường thuộc quận 10; 2 phường thuộc quận Phú Nhuận. Đồng thời, thực hiện chủ trương khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện, thành phố chủ động đề xuất với trung ương sắp xếp 3 quận (2, 9, Thủ Đức) để hình thành đơn vị hành chính mới là thành phố theo mô hình “thành phố trong thành phố”.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, hai đề án trên giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục trùng lắp về chức năng, bảo đảm tính thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Riêng việc thành lập thành phố Thủ Đức (tên tạm gọi), thành phố đã ấp ủ trong nhiều năm qua. Các quận 2, 9, Thủ Đức đã được đầu tư phát triển đáp ứng tiêu chí của một đô thị, đủ điều kiện thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

“Thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất, góp ý từ các bộ, ngành trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để thành phố đề ra con đường đi tốt nhất và ngắn nhất nhằm thực hiện các đề án, đưa thành phố phát triển nhanh và bền vững, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)