Khu trung tâm tỉnh được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, khang trang và hiện đại.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Yên Bái đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 19.700 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Từ các nguồn vốn đầu tư, nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới, động lực phát triển cho thành phố như: công trình cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Tuần Quán; đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; công trình Hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm; tu bổ, tôn tạo, mở rộng Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Yên Bái; nâng cấp, cải tạo Khu tưởng niệm Bác Hồ và Di tích lịch sử văn hóa Lễ đài Sân vận động thành phố; Dự án nâng cấp đô thị thành phố từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới...
Công tác quy hoạch, quản lý đô thị có sự chuyển biến tích cực. Thành phố đã chủ động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, hoàn thành lập quy hoạch phân khu 14/17 xã, phường, quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới 3 xã, quy hoạch chi tiết khu Trung tâm km 5; điều chỉnh cục bộ, kịp thời quy hoạch các xã, phường để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị; phối hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, mở ra không gian phát triển mới, hiện đại cho thành phố trong tương lai.
Công tác quản lý trật tự đô thị được tăng cường, quyết liệt di dời các ki-ốt tại khu vực Trung tâm Km 5, xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên - Nguyễn Thái Học thành tuyến đường điểm "Sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Đặc biệt, ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt, có nhiều chuyển biến mới về kỷ cương đô thị, đường phố khang trang, sạch đẹp, văn minh hơn. Kinh tế của thành phố tiếp tục phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng mạnh thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Năm 2020, thương mại - dịch vụ đạt 51,5%; công nghiệp - xây dựng đạt 46%; nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 2,5%.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được thành phố đặc biệt quan tâm. Hệ thống giáo dục và đào tạo được củng cố phát triển, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao. Thành phố đã thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học, đến nay toàn thành phố có 52 trường thuộc cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, giảm 15 trường so với năm 2015. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 97%, số phòng học được trang bị thiết bị dạy học thông minh đạt trên 90%...
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, số giường bệnh đạt tỷ lệ 121 giường/1 vạn dân; số bác sĩ đạt 34 bác sĩ /1 vạn dân; 15/15 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,2%...
Hoạt động khoa học và công nghệ đạt kết quả tốt, thành phố đã hoàn thiện việc chuyển đổi và áp dụng các quy trình của hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong cơ quan Nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của chính quyền và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống nhân dân được chú trọng, góp phần phát triển chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Kết quả đạt được trong những năm gần đây trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh là động lực để thành phố tập trung phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn tới. Giai đoạn 2020 - 2025, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025.
Tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, an ninh, an toàn, triển khai Internet băng thông rộng chất lượng cao đến tất cả các xã, phường; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhất là lĩnh vực quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, đô thị, y tế, giáo dục, tài chính, quản lý dân cư; thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, các tiện ích thông minh cho dân cư; hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị; đào tạo kỹ năng số, nâng cao khả năng tương tác với công nghệ số cho người dân, xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh bền vững.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường nhằm hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Tháng 8/2020, thành phố đã chỉ đạo xây dựng thí điểm phường đô thị thông minh tại phường Đồng Tâm và phường Nguyễn Thái Học để rút kinh nghiệm triển khai tại các phường, xã của thành phố.
Đồng chí Đỗ Thị Lan Phương - Bí thư Đảng ủy phường Đồng Tâm trao đổi: "Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Yên Bái, phường đang xây dựng kế hoạch phường đô thị thông minh để trình thành phố phê duyệt triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 1 của Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025, các ứng dụng công nghệ phát triển đô thị thông minh sẽ được tỉnh triển khai thí điểm tại phường Đồng Tâm: như xây dựng cổng thông tin điện tử phường, hệ thống y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh; xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng App người dân trên điện thoại thông minh để người dân được giám sát, tương tác với chính quyền và các cơ quan Nhà nước...
Thực tế, trước khi thành phố triển khai chủ trương này, phường đã tuyên truyền, vận động các tổ dân phố lắp đặt hệ thống camera an ninh tại những tuyến đường chính của phường. Đến nay, đã có 7 tổ hoàn thành việc lắp hệ thống camera an ninh với 54 mắt tại tuyến đường: Ngô Gia Tự, Yên Ninh, Trần Phú, Ngô Sĩ Liên, Trần Đình Trọng… bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Qua việc lắp đặt camera an ninh tại các tuyến đường của 7 tổ dân phố đã giúp lực lượng công an xử lý một số vụ trộm cắp vặt và phá hủy tài sản của công dân trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật. Hiện nay, phường đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ dân phố còn lại hoàn thành lắp đặt xong hệ thống camera an ninh trong năm 2021, đồng thời khi có kế hoạch của thành phố, phường sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng phường đô thị thông minh…”.
Được biết, Đề án xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025 được triển khai với tổng kinh phí thực hiện 1.200 tỷ đồng; định hướng đến năm 2025, tiếp tục nhân rộng các kết quả Dự án đã triển khai trong giai đoạn 1, triển khai mới các hạng mục, dự án thành phần như hệ thống quản lý đô thị thông minh thành phố Yên Bái; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống tài nguyên, môi trường thông minh; hệ thống nông nghiệp thông minh; hệ thống điều hành trong lĩnh vực tư pháp; dịch vụ thông minh trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại…
Những kết quả đạt được trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ qua, nhất là việc quy hoạch mở rộng không gian đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ là động lực để thành phố tiếp tục là đầu tàu trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn tới của tỉnh.