Kế thừa, phát huy thành quả, nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP. Huế tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng và không gian đô thị gắn với di sản, văn hóa, du lịch, hướng đến đô thị hạt nhân.
Đô thị Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Nông Thanh Toàn
Chỉnh trang đô thị
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố huy động mọi nguồn lực tập trung triển khai các dự án (DA) nâng cấp đô thị Huế, tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cảnh quan đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, Thành phố Festival, Thành phố Xanh quốc gia. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 dự kiến đạt 5.051 tỷ đồng, tăng bình quân 6%, trong đó thu ngân sách thành phố theo phân cấp ước đạt 1.365 tỷ đồng, tăng bình quân 7%.
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại ngày càng phát triển, hình thành và đưa vào hoạt động phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, tạo điểm nhấn du lịch về đêm; khai thác một số công trình văn hóa nghệ thuật, bảo tàng tại không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi phục vụ khách du lịch. Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế tiếp tục khẳng định vị thế và thương hiệu. Các hoạt động lễ hội truyền thống, lễ hội các tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng, tâm linh cùng với chất lượng các loại hình dịch vụ, chỉnh trang điểm tham quan đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến Huế.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, theo hướng vật liệu mới, công nghệ cao, sản phẩm thân thiện môi trường với trên 4.071 cơ sở sản xuất. Sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được triển khai để nâng cao giá trị sản phẩm, bước đầu đem lại hiệu quả như: mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao; các mô hình ứng dụng nuôi cấy mô; mô hình trồng hoa lan, chim cảnh… kết hợp với phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch xanh, du lịch nhà vườn.
Hiện nay, hệ thống trường lớp công lập, ngoài công lập các cấp học ổn định và phát triển, đảm bảo nhu cầu học tập. Hằng năm, có khoảng 1.500 em đạt học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh, quốc gia, quốc tế.
Kết quả đạt được trong 5 năm qua khẳng định vai trò, vị trí của thành phố Huế là trung tâm về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục.
UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Huỳnh Cư (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa chúc mừng Đại hội Đảng bộ phường Kim Long lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025
Đồng bộ kết cấu hạ tầng
Ngoài việc nâng cấp hạ tầng đô thị Huế, từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cảnh quan phù hợp quy hoạch, hiện đại, trong đó tập trung chỉnh trang cảnh quan 2 bờ sông Hương, cầu đi bộ gỗ lim. Hoàn thành dự án xây dựng "Mạng lưới kết nối các tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương" do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ; chỉnh trang các công viên, đường dạo hai bên bờ sông Hương. Tiếp tục triển khai các DA phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn như: DA Cải thiện môi trường nước, DA "Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế", DA phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công. Thực hiện DA lắp đặt camera giám sát trên địa bàn; chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền; chỉnh trang nút giao Ngã 6 Hùng Vương, thoát nước, bó vỉa các tuyến đường,…
Các DA phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn đã góp phần tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị, tạo thêm nhiều không gian công cộng thu hút người dân, du khách. Công tác lập lại trật tự đô thị; gương mẫu đi đầu thực hiện quy định về đốt, rải vàng mã; tích cực hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thành phố 4 mùa hoa”, làm cho Huế trật tự văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Thành phố khẩn trương di dời dân cư Khu vực I, Kinh thành Huế, được ủng hộ của Trung ương, tạo sự đồng thuận cao của người dân.
Huy động mọi nguồn lực
Thành phố tiếp tục nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh; tiếp tục tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ với một số công trình hiện đại, thân thiện với môi trường, xứng đáng là đô thị loại I (kể cả sau khi điều chỉnh địa giới hành chính). Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Trong đó, tập trung mọi nguồn lực nâng cấp hạ tầng đô thị phục vụ phát triển kinh tế nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao. Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị; hình thành các tuyến giao thông ven sông tạo đường đi dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ, gắn với bảo tồn, gìn giữ không gian xanh và bảo vệ môi trường hai bờ sông Hương.
Mục tiêu của 5 năm tới là xây dựng và phát triển TP. Huế trở thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường, đô thị thông minh khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiệm vụ quan trọng là huy động mọi nguồn lực thực hiện DA di dời các hộ dân trong Khu vực I Kinh thành Huế; tiếp tục bảo tồn các công trình di tích phát huy giá trị di sản, chỉnh trang nạo vét các sông, hồ... theo phương thức xã hội hóa. Kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch như: tuyến giao thông trên hộ Thành Hào, Ngự Hà phục vụ du lịch, chỉnh trang cửa ngõ Bắc Nam. Tiếp tục nâng cấp đô thị Huế là đô thị hạt nhân, tạo động lực phát triển KT-XH gắn với việc phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế, xứng tầm là đô thị trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của tỉnh.
Huế có 90 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố; 268/268 chi bộ tổ dân phố có tổ chức Đảng. 5 năm qua, Đảng bộ TP. Huế phát triển thêm 1.383 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 13.448 đảng viên.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thành phố phấn đấu kết nạp bình quân 200 đảng viên/năm; đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ tổ dân phố là đảng viên đạt trên 75%; hằng năm, phấn đấu Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.