Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh quan tâm và dành nhiều nguồn lực hiện đại hóa hạ tầng đô thị. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.
Tuyến đường trục chính Khu đô thị Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đang được đẩy nhanh thi công.
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong 3 đột phá chiến lược, những năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế...
Điển hình trong phát triển hạ tầng giao thông, Quảng Ninh mạnh dạn đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đến nay nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế, như cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tiếp tục được khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công, như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; tuyến đường bao biển TP Hạ Long - TP Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1; đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường 10 làn xe nối từ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến cầu Bãi Cháy; đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với KCN Nam Tiền Phong; đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều... Các công trình, dự án mới có ý nghĩa chiến lược quan trọng, kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của tỉnh… Tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo các tuyến đường giao thông trong đô thị; chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực (cầu Triều, cầu Rừng, cầu Lại Xuân)...
Theo thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh ước đạt 123.044 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hoàn thành gần 120km đường cao tốc, đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài trên 80km; nâng cấp, cải tạo 130,3km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6km đường huyện, đường đô thị và hệ thống đường giao thông nông thôn, miền núi.
Hạ tầng đô thị TP Hạ Long ngày càng phát triển. Ảnh: Hùng Sơn
Tỉnh cũng tập trung nhiều nguồn lực đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch đẳng cấp. Hiện đã có nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đến Quảng Ninh, như: BigC Hạ Long, Vincom Center Hạ Long… Đáng chú ý, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh được đầu tư tương xứng với nhu cầu, vị thế của tỉnh. Trung tâm OCOP Quảng Ninh mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy việc kết nối các tour du lịch, quảng bá hình ảnh con người, sản vật Quảng Ninh.
Về hạ tầng du lịch, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có hơn 100 cơ sở được xếp hạng từ 1-5 sao, trên 500 tàu du lịch các loại. Một số dự án lớn được đầu tư nhanh chóng đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương… Các dự án thương mại, du lịch đã tạo cho bộ mặt các đô thị của tỉnh thay đổi nhanh chóng, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan, đồng thời tạo ra giá trị mới trong phát triển, làm cho bộ mặt, diện mạo của các đô thị hình thành rõ nét hơn, chất lượng cuộc sống đô thị được nâng lên.
Tỉnh cũng dành nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, như đưa điện đến các xã đảo, các thôn, bản của tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh đã phủ kín điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, khe, bản của tỉnh, với nguồn lực đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Hệ thống chiếu sáng đô thị, thoát nước đô thị, vỉa hè, cây xanh, không gian công cộng... được đầu tư, cải tạo đồng bộ. Một số đô thị lớn như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.
TP Hạ Long đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh.
Song song với đó, hạ tầng xã hội như giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thông tin được quan tâm đầu tư theo chiều sâu. Tỉnh dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí chiếm khoảng 5% tổng chi thường xuyên ngân sách của tỉnh; tổng vốn đầu tư xã hội cho KHCN chiếm khoảng 2,8% GRDP của tỉnh.
Bằng những nỗ lực không ngừng, đến nay Quảng Ninh đã có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hiện tỉnh có 13 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa năm 2019 là 66,65%, là một trong 3 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương). Với những đột phá về hạ tầng đô thị đã làm thay đổi rõ nét diện mạo của Quảng Ninh, tạo động lực để tỉnh ngày càng vươn cao, trở thành cực tăng trưởng của miền Bắc, hướng tới mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.