Xử lý rác thải xây dựng (RTXD) đang là một trong những bài toán nan giải trong quá trình đô thị hóa tại Lạng Sơn. Thế nhưng, tại một số nơi trong tỉnh, các hộ dân đã tận dụng nguồn RTXD để sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lạng Sơn, mỗi năm, lực lượng chức năng của thành phố tiếp nhận, xử lý khoảng 120 tấn RTXD. Con số này còn rất hạn chế so với lượng RTXD phát sinh từ các hoạt động xây dựng, phá dỡ, cải tạo các công trình trên địa bàn. Tại các huyện cũng gặp phải thực trạng tương tự, dù không có số liệu thống kê chính xác, nhưng không thể phủ nhận rằng lượng RTXD là rất lớn. Vì lý do trên, tình trạng người dân, doanh nghiệp đổ trộm RTXD ra môi trường vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay. Trước thực tế đó, nhiều gia đình trên địa bàn đã tận dụng nguồn RTXD để tái chế, sản xuất gạch không nung.
Cơ sở tái chế RTXD tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc
Điển hình như hộ ông Hoàng Văn Cảnh, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình ông thu gom khoảng 10 tấn RTXD. Ông Trọng cho biết: Sau khi thu gom, RTXD được cho vào máy nghiền, lọc tạp chất và cho ra nguyên liệu thô để làm gạch không nung. Mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất khoảng 2.000 viên gạch từ RTXD được tái chế. Gạch sản xuất từ RTXD tái chế pha với vôi có ưu điểm là ít bị vỡ vụn hơn so với gạch bê tông thông thường.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại phường Vĩnh Trại hiện có 7 hộ sống bằng nghề tái chế RTXD. Theo các hộ này, gạch sản xuất từ RTXD thường được dùng để xây dựng các công trình như: tường rào, kè, đê… Trên thị trường, loại gạch trên có giá khoảng 2.000 đồng/viên. Do đặc tính chống chịu trong môi trường nước tốt, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao và ưa chuộng.
Tương tự, cơ sở sản xuất gạch ba banh xỉ vôi Lan Thảnh (khối 8, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) là một trong những cơ sở tái chế RTXD lớn nhất huyện Cao Lộc. Mỗi ngày cơ sở thu gom và tái chế khoảng 15 đến 20 tấn RTXD. Bà Trần Thị Lan, chủ cơ sở cho biết: Mỗi ngày, xưởng sản xuất khoảng 6.000 viên gạch. Cơ sở đã đầu tư mua, thuê dây chuyền, máy móc hiện đại như máy xúc, xe ô tô tải… phục vụ sản xuất. Xưởng tạo việc làm cho gần 10 lao động trên địa bàn với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Vào các tháng cao điểm trong năm (tháng 10 đến tháng 12), số lao động thời vụ làm việc tại cơ sở lên đến 20 – 30 người.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng, mặc dù hiện nay chưa có thống kê chính xác về số lượng cơ sở tái chế RTXD, nhưng nhìn chung các cơ sở như trên càng ngày càng có sự đầu tư về dây chuyền, thiết bị sản xuất… Ngoài lợi ích kinh tế từ tái chế RTXD đem lại, phát triển các cơ sở tái chế RTXD là một trong những giải pháp để từng bước xóa bỏ các điểm tập kết RTXD trái phép khiến nhiều người dân bức xúc trong thời gian qua. Việc đánh giá đúng tiềm năng từ tái chế RTXD đã biến RTXD từ một mối nguy hại trở thành nguồn vật liệu để sản xuất ra các sản phẩm có ích, phục vụ nhu cầu xây dựng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhận định: RTXD đã và đang gây tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan. Việc các cơ sở tái chế RTXD để sản xuất gạch xây dựng góp phần không nhỏ trong bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan trong việc tạo điều kiện cho các cơ sở tái chế RTXD tiếp tục phát triển về quy mô sản xuất. Song song với đó, đơn vị sẽ đề xuất chính sách nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực tái chế RTXD. Từ đó, có thể xử lý tối đa lượng RTXD phát sinh trên địa bàn.