Vĩnh Phúc: Phát triển đô thị Phúc Yên xanh - thông minh - bền vững

Thứ ba, 04/08/2020 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đô thị Phúc Yên được thành lập từ năm 1905. Đến ngày 7/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 484, thành lập 2 phường Nam Viêm và Tiền Châu thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập thành phố Phúc Yên. Trong tiến trình phát triển Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quyết tâm phấn đấu xây dựng Phúc Yên trở thành thành phố xanh - thông minh - bền vững.

Thành phố Phúc Yên hướng đến mục tiêu phát triển đô thị xanh - thông minh - bền vững. Ảnh: Dương Chung

Thành phố Phúc Yên hiện là đô thị loại III, có 10 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 8 phường và 2 xã; là một trong hai đô thị lớn của tỉnh, là đô thị cửa ngõ của tỉnh; là một trong những đô thị vệ tinh của vùng Thủ đô Hà Nội, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, thể dục - thể thao và đào tạo quốc gia; trung tâm kinh tế công nghiệp - dịch vụ quan trọng của tỉnh. Thành phố có ví trí thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không, liên kết với các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc với vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Phát huy lợi thế, nhiều năm qua, thành phố Phúc Yên chú trọng phát triển kinh tế; nhiều khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động. Các trường đào tạo, dạy nghề được nâng cấp và mở rộng thu hút sinh viên, học sinh các địa phương trong khu vực; nhiều khu đô thị mới, khu resort, nghỉ dưỡng được hình thành... kèm theo đó là các dịch vụ phục vụ du lịch, tạo việc làm cho người dân thành phố.

Trước yêu cầu phát triển, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư cho đô thị đã được thành phố chú trọng quan tâm, không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị được đầu tư đáp ứng phần lớn nhu cầu sinh hoạt xã hội của người dân đô thị. Bên cạnh đó, chương trình xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực. Dáng vóc đô thị của thành phố ngày càng văn minh và hiện đại hơn, cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Trong những tháng đầu năm 2020, thành phố Phúc Yên đã thẩm định dự toán cải tạo, nâng cấp các công trình mở rộng đường phố, đường giao thông nông thôn; cải tạo, sửa chữa trụ sở HĐND-UBND phường Tiền Châu, xã Cao Minh và một số trường học; thụ lý 91 hồ sơ và đã cấp 87 giấy phép xây dựng; giới thiệu địa điểm xây dựng mới Trường mầm non Phúc Thắng; trình phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án chia lô Khu đất đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất ở tại thôn T80, xã Ngọc Thanh...

Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, đã thực hiện trang trí, duy trì 87.840 m2 thảm cỏ; 11.880 chậu hoa các loại; 7,211 km dải phân cách trên quốc lộ 2; lắp mới điện chiếu sáng cho 26 tuyến ngõ trên địa bàn; thay thế 130 bộ đèn cao áp bằng đèn led tại một số tuyến đường thuộc các phường Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng và xã Cao Minh.

Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố được duy trì gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Thành phố đã tập trung giải tỏa các trường hợp bày bán hàng tự phát và giải tỏa toàn bộ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, duy trì trật tự đô thị 5 tuyến đường, phố làm điểm theo tiêu chí văn minh đô thị và các khu vực trung tâm cảnh quan, các điểm nóng thường xuyên xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn một số đơn vị xã, phường.

Đội Quản lý trật tự đô thị phối hợp với UBND các xã, phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các gia đình khi xây dựng công trình phải để nguyên vật liệu trong phạm vi cho phép, không được lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết nguyên vật liệu gây ảnh hưởng tới người tham gia giao thông. Đến nay, các hộ đã và đang thực hiện tốt quy chế quản lý đô thị.

Hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Phúc Yên xanh - thông minh - bền vững, thành phố Phúc Yên đề ra mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II và kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đáp ứng theo định hướng tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để phát triển Phúc Yên trở thành quận thuộc thành phố Vĩnh Phúc; xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên bền vững gắn với tăng trưởng xanh; xây dựng xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhân dân có nếp sống văn minh, thân thiện; xây dựng đô thị xanh, thân thiện, an toàn với tất cả mọi người.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)