Thành phố Phúc Yên khẳng định vị thế vùng kinh tế trọng điểm

Thứ ba, 28/07/2020 13:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Là đô thị có bề dày lịch sử hơn 100 năm, Phúc Yên một thời gian dài nằm nép mình tĩnh lặng bên dòng Cà Lồ thơ mộng dù có lợi thế rất lớn về hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt, đường hàng không cùng nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ. Phải đến khi tỉnh Vĩnh Phúc tái lập (1997), thị xã vốn yên tĩnh này mới bừng tỉnh và nhanh chóng khẳng định vị thế. Đặc biệt, từ khi được công nhận là đô thị loại III, thành phố Phúc Yên có nhiều thay đổi ngoạn mục, xứng tầm là vùng kinh tế, du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh.

Phối cảnh tổng thể Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên

Người xưa bảo, vùng đất nào có được 1 trong 3 yếu tố “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” là có thể yên tâm hưởng phúc; vậy mà Phúc Yên có cả 3 thì quả là đắc thế. Nhiều người già ở Phúc Yên bảo, cũng có khả năng chính vì thế Phúc Yên mới có tên gọi như vậy: Ngồi yên cũng được hưởng phúc.

Tất nhiên, những câu chuyện như trên có thể chỉ là giai thoại và thực tế cũng cho thấy, với người Phúc Yên, địa lợi chỉ là một phần, cần có cả thiên thời nữa để kết hợp với yếu tố nhân hòa do chính mình tạo ra mới gây dựng được một Phúc Yên bề thế, dày dặn như bây giờ.

Thành phố Phúc Yên có diện tích không rộng, dân số không đông, nhưng người Phúc Yên có truyền thống cần cù chăm chỉ và đặc biệt là rất năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Vì vậy, khi cơ hội đến, Phúc Yên đã tận dụng được tối đa những lợi thế sẵn có để đưa địa phương vươn lên một tầm cao mới, không những trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh mà còn là một trong những đô thị hàng đầu ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Phúc Yên đã khẳng định được vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, góp phần kết nối giao lưu phát triển kinh tế với vùng Thủ đô Hà Nội.

Còn nhớ thuở mới tái lập tỉnh, trong khi nhiều địa phương khác còn đang bỡ ngỡ chưa biết làm gì để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân thì Phúc Yên đã sớm có những động thái thiết thực nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trên địa bàn.

Những năm sau đó, Phúc Yên cũng luôn đi đầu so với các địa phương khác trong tỉnh về việc chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động.

Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố có hàng trăm doanh nghiệp mới thành lập với số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng, Hiện tại, có tới hơn 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, mạnh và ổn định, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2020, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế bình quân tăng 3,28%. Tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế ước đạt 478 ngàn tỷ đồng.

Đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 94 nghìn tỷ đồng; ngành dịch vụ, du lịch đạt 6 nghìn tỷ đồng; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 490 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ lệ công nghiệp, xây dựng chiếm hơn 93%, dịch vụ gần 6%; còn lại là nông, lâm, thủy sản.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Năm 2017, Phúc Yên được UBND tỉnh quyết định công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% tổng số xã); năm 2018, xã Tiền Châu và xã Nam Viêm trở thành phường; thị xã Phúc Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Năm 2019, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố tập trung triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm của tỉnh, huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tổng cộng đã triển khai 20 dự án chỉnh trang đô thị với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trong đó, có 12 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 8 dự án giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng.

Các khu đô thị được quan tâm đầu tư, phát triển; trong đó, Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu thực hiện xây dựng đạt 70% hạ tầng kỹ thuật; Khu đô thị TMS Land - Hùng Vương đã xây dựng 150 căn hộ liền kề và hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 40%; Khu đô thị Nam Phúc Yên đang hoàn thành cơ sở hạ tầng...

Các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, nâng cấp với tổng chiều dài gần 40 km. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư phục vụ phát triển kinh tế của thành phố và các vùng lân cận đã phát huy hiệu quả cao.

Thời gian tới, thành phố Phúc Yên tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững, từng bước giữ vững và khẳng định vị thế trọng điểm về kinh tế, du lịch và dịch vụ của tỉnh.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, Phúc Yên chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giữ nghiêm sự đoàn kết, kỷ cương, thống nhất trong Đảng từ thành phố đến cơ sở; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp; đầu tư thích đáng để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II.

Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống; làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)