Để không còn hiểm họa từ cây xanh

Thứ ba, 02/06/2020 14:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hiện tượng cây xanh gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản, là chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi”, song chung quanh quản lý cây xanh đô thị vẫn còn đó những bất cập. Mùa mưa bão đang đến, để bảo đảm an toàn cho người dân, đòi hỏi cơ quan chức năng cần rà soát cây xanh khu vực có nguy cơ cao trên các tuyến phố, công viên, hay khu chung cư, khuôn viên công sở, trường học.

Cắt tỉa cây xanh trên đường phố tại Hà Nội để ứng phó với mùa mưa bão - Ảnh Nam Khánh

Khó nhận biết dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh đô thị

Tại Thủ đô Hà Nội, nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại từ nguy cơ gãy đổ của hệ thống cây xanh, công tác kiểm tra, xử lý cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm… thời gian qua liên tục được triển khai. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hà Nội có quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, bách thảo trên địa bàn thành phố. Theo đó, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội được giao duy tu, cắt tỉa, chặt hạ cây xanh đô thị tại các tuyến đường. Còn UBND cấp quận quản lý hệ thống cây xanh tại trụ sở làm việc, trường học trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Hằng năm, công tác cắt tỉa cây xanh được lên kế hoạch từ quý IV của năm trước. Công tác chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục được tiến hành thường xuyên, liên tục. “Trước tháng 6/2020, công ty đã tiến hành cắt tỉa, thay thế trên 20.000 cây bóng mát trên đường phố Hà Nội. Công ty thường xuyên thực hiện tuần tra khảo sát phát hiện cây hư hỏng, chết,... để cắt tỉa kịp thời. Song song đó, công ty cũng thường xuyên tiếp nhận đơn thư, thông tin phản ánh về chất lượng cây của tổ chức, cá nhân và các phản ánh đều được xử lý kịp thời, không để tồn tại. Ngoài ra, công ty luôn phối hợp với chính quyền các cấp, Ban duy tu các công trình xây dựng của Sở Xây dựng xử lý kịp thời những trường hợp cây nguy hiểm”, ông Mạnh cho biết.

Còn theo chuyên gia của Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cây xanh bị gãy đổ thường là cây bị sâu mục gốc, cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa... Do đó, để bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây gãy đổ, Ban thường xuyên phối hợp với các đơn vị duy tu hệ thống cây xanh, cũng như thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý các cây chết, cây nguy hiểm, cây có dấu hiệu bị xâm hại, thực hiện cắt tỉa theo kế hoạch.

Dù vậy, năm nào mùa mưa bão đến, hiện tượng cây xanh gãy đổ vẫn xảy ra, hiểm họa từ cây xanh vẫn còn, khiến người dân lo lắng mỗi lúc trời đổ cơn dông, gió lớn.

Theo các chuyên gia, bên cạnh ảnh hưởng bởi những yếu tố thuộc về thiên tai, thời tiết như dông bão, áp thấp nhiệt đới, thì hệ thống cây xanh đường phố còn bị tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau do tác động của con người. Đó là việc xây dựng, phát triển đô thị, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã gây nên hiện tượng cây bị lệch tán, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, sự ổn định bám chắc của gốc cây trong lòng đất. Cùng đó, nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, phát hiện cây có nguy cơ gãy đổ, như bên ngoài nhìn cây xanh tốt nhưng bên trong không thể kiểm tra được.

TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, nhiều cây nhìn bề ngoài thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong đã mục ruỗng. Do đó, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan. Ngoài ra, không ít cây bị xâm hại, bị chặt rễ, hoặc khi cải tạo hạ tầng khiến không gian dinh dưỡng của rễ cây bị hạn chế, không phát triển được... Vì vậy, để đánh giá mức độ nguy hiểm của cây xanh, phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn.

Mặt khác, hiện công tác đánh chuyển, chặt hạ, thay thế cây xanh nguy hiểm tại Thủ đô Hà Nội cũng gặp những trở ngại, nhất là cây xanh nơi công sở, trường học. Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin từ lực lượng tuần đường, đơn thư, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh sẽ đề xuất lên Sở Xây dựng, sau đó sở sẽ báo cáo UBND thành phố, từ đó ra quyết định để công ty tiến hành.

Quy trình là vậy, nhưng ở Việt Nam đặc biệt ở Hà Nội việc thay thế, cắt tỉa cây xanh ngay không hề đơn giản, và nó không đơn thuần là yếu tố hạ tầng kỹ thuật, mà còn là vấn đề tâm lý, tình cảm của người dân. Do có những cây cổ thụ được đánh giá là vốn quý của Hà Nội, mang trong mình những giá trị văn hóa xã hội, tâm linh. Nhiều cây cổ thụ ở các khu vực phố cũ có tuổi đời hơn trăm năm, nếu như ở nước ngoài về độ an toàn thì cần phải thay thế, còn tại Việt Nam thì gặp những trở ngại, đôi khi bị phản đối từ một số người dân.

Duy trì mảng xanh mà vẫn an toàn

Mùa mưa bão đang đến, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong năm 2020 có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão. Đặc biệt, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như dông, lốc, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh… Nhất là, ở khu vực đô thị, hiện tượng đảo nhiệt khiến những trận lốc xoáy trở nên khó lường.

Để ngăn ngừa những nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, theo các chuyên gia, cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ. Giải pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gãy đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống cây xanh, phát hiện nhanh và sớm nhất những cây bị sâu bệnh. “Đơn vị trồng cây và đơn vị làm bê tông, các công trình ngầm lại không phải cùng một bên nên nhiều khi vì để thuận tiện cho công việc của mình, sợ rễ cây chồi lên làm hư hỏng mặt đường bê tông, làm hỏng đường ống nước, hoặc để trồng cây xanh, người ta cắt bỏ rễ cọc của cây đi, thế là thành “cây không chân”. Cây thân gỗ, cây lâu năm sống bằng rễ cọc, nó luồn sâu bám chặt vào lòng đất, nếu không có rễ cọc, chỉ có các rễ chùm vươn ra thì cây không thể vững chãi, có thể đổ bất cứ lúc nào”, một chuyên gia nói.

Bởi vậy, cần có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè và tối ưu là đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp nhịp nhàng với bên phía quản lý công viên cây xanh. Có như vậy, những chuyện cây xanh bị chặt bớt rễ, bị làm lệch tán chắc chắn sẽ không xảy ra, đồng nghĩa với việc sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố cũng sẽ được bảo đảm hơn.

Một giải pháp vừa để duy trì mảng xanh trong đô thị mà vừa bảo đảm an toàn, đó là trước khi trồng cây, nhất là trồng tại khuôn viên cơ quan, trường học, cần được sự tư vấn của các chuyên gia để chọn được loài cây phù hợp.

Khi trồng cây, cần lưu ý kỹ thuật trồng, như đào hố đủ to, đủ sâu... giúp bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Lưu ý kích thước cây, những cây to, đường kính thân lên tới 20-30 cm khi trồng sẽ nhanh tạo bóng mát, nhưng rễ lại không bám sâu vào lòng đất, do vậy khả năng đổ ngã cao hơn so với trồng cây nhỏ hơn. Trồng cây cần tuân thủ danh mục cây được phép trồng và điều quan trọng nhất, hãy tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây. “Ngược lại đối với một số chủng loại cây trồng ở đô thị hay gãy đổ khi mưa bão nên có quy định về niên hạn, tuổi thọ. Khi hết niên hạn, cần đốn hạ, trồng cây khác thay thế”, tiến sĩ Tiến đề xuất.

Giải pháp mang tính dài hạn là cần huy động tri thức và tinh túy của giới khoa học trong vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đường phố. Phát triển đô thị phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, bởi chỉ có thể phát triển bền vững nếu hệ sinh thái không bị phá vỡ. Ngành Giao thông vận tải, Xây dựng cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh thành phố có nghiên cứu, đánh giá hằng năm để chọn lọc chủng loại cây trồng phù hợp trên đường phố, có khả năng chống chịu cao với gió bão. Khuyến khích trồng cây phù hợp tại công sở, trường học, cây phù hợp với khí hậu, thời tiết tại Việt Nam và có đặc tính là rễ bám sâu dưới lòng đất. Thành phố cũng cần hoàn thiện việc quy hoạch cây xanh đô thị theo hướng đồng bộ.

Trong cuộc sống, hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân đô thị. Chính vì vậy, cần thiết bảo tồn và phát triển mạng lưới cây xanh, đi cùng đó, có giải pháp ngăn chặn hiệu quả sự xâm hại, làm tổn hại đến tuổi thọ, sinh trưởng của cây xanh như đã xảy ra đây đó thời gian qua, để không có những hiểm họa, nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão đang đến.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)