Đây là nhận định của TS Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội bê tông Việt Nam.
Sáng 30/5, Hội bê tông Việt Nam (VCA) và Công ty CP Fecon đã tổ chức hội nghị thường niên năm 2020 khu vực phía Bắc với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo Hội Bê tông Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành, giảng viên các trường đại học, đại diện các công ty trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và xây dựng.
Hội nghị đã chia sẻ các chính sách của nhà nước về phát triển công nghiệp bê tông, thảo luận về tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực bê tông đã xây dựng và cần bổ sung cập nhật trong thời gian tới để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, các công ty cũng cùng nhau trao đổi về những công nghệ bê tông đang được sử dụng.
Theo ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng,ngành sản xuất bê tông
trong giai đoạn tới phải sử dụng cốt liệu từ nguyên liệu tái chế, phế thải để thay thế đến 60% nguyên liệu thiên nhiên. Ảnh: BTC
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, Việt nam sử dụng khoảng 140 triệu tấn m3 bê tông, trong đó 50% được sản xuất tại các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm và 50% được sản xuất thủ công. Trong gần 20 năm qua, do xây dựng kết cấu hạ tầng tăng trưởng mạnh nên sản lượng xi măng đã tăng tới 6 lần, từ 17 triệu tấn/năm lên 98 triệu tấn/năm, nhiều tính năng hơn và giá thành rẻ hơn.
Bên cạnh đó, trong điều kiện Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bê tông (con người, tài nguyên, công nghệ, thị trường), thì yếu tố công nghệ cần phải được chú trọng, theo TS Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng. Ông cho biết, theo dự thảo chiến lược phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2021-2030, định hướng tới 2050 thì lĩnh vực bê tông cần phải tiếp tục phát triển các loại hình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao hơn về xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tài nguyên ngày càng hạn hẹp, ngành bê tông phải đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý tài nguyên, đẩy mạnh tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn. “Trong tương lai, các đơn vị liên quan cần phát triển và áp dụng rộng rãi các loại bê tông cường độ cao, các sản phẩm cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo mô-đun, bản mỏng, tiết diện nhỏ, bê tông bền với môi trường biển, bê tông chịu nhiệt, bê tông thích ứng với biến đổi khí hậu, bê tông in 3D". Đặc biệt, ngành sản xuất bê tông trong giai đoạn tới phải sử dụng cốt liệu từ nguyên liệu tái chế, phế thải để "thay thế đến 60% nguyên liệu thiên nhiên, phát triển các loại phụ gia khoáng và hoá học để đưa vào làm thành phần bắt buộc trong sản xuất bê tông, nâng cao chất lượng; giảm tỷ lệ trộn bê tông thủ công xuống 25% tổng sản lượng bê tông; phát triển nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo mô-đun và các trạm trộn bê tông thương phẩm”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Nhu cầu sử dụng lớn, nhưng các tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực bê tông tại Việt Nam lại rất phong phú và đa dạng, theo TS Hoàng Minh Đức – Viện Khoa học công nghệ xây dựng. Có thể kể tới như tiêu chuẩn thiết kế; tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu; tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật sản phẩm bê tông; tiêu chuẩn thí nghiệm bê tông trên kết cấu; tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật bê tông; tiêu chuẩn phương pháp thử bê tông; tiêu chuẩn phương pháp thử hỗn hợp bê tông… Dù vậy, điều đáng nói nằm ở chỗ ‘các tiêu chuẩn lĩnh vực bê tông được áp dụng trong ngành xây dựng giao thông và thuỷ lợi đang chồng lấn, đan xen’ – TS Hoàng Minh Đức nói.
Thực tế, các tiêu chuẩn trên được xây dựng dựa vào điều kiện Việt Nam kết hợp với cơ sở tiêu chuẩn của Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga, cơ sở tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM, ACI…) cơ sở tiêu chuẩn của châu Âu (EN, BS…), cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO… Do tham khảo nhiều cơ sở tiêu chuẩn nên sự đồng bộ, hài hoà giữa các tiêu chuẩn chưa được đáp ứng. Vì thế, hội đồng tư vấn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập cần phải rà soát các tiêu chuẩn hiện nay, biên soạn các tiêu chuẩn mới và có biện pháp phù hợp cho giai đoạn chuyển đổi. “Quan điểm của tôi là các tiêu chuẩn dù mới hay sửa đổi, cập nhật đều phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng bộ, hài hoà giữa các bên liên quan và hội nhập với trình độ thế giới” – TS Hoàng Minh Đức chia sẻ.
TS Hoàng Minh Đức - Viện Khoa học công nghệ xây dựng chia sẻ về các tiêu chuẩn quốc gia về
bê tông và vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Ảnh: BTC
Cũng trong hội nghị, đại diện các công ty xây dựng trong nước cũng chia sẻ về những công nghệ đang được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Có thể kể tới như công nghệ phụt vữa thân cọc cho cọc khoan nhồi khu vực TP HCM của Công ty CP Fecon South; Sản phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn chuyên dụng cho các dự án đặc biệt của Tập đoàn Phan Vũ; Báo cáo thực tiễn áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia trong sản xuất cọc bê tông ly tâm cường độ cao của Công ty CP khoáng sản Fecon.