Toàn cảnh hội nghị
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Hoằng Hoá có đồng chí Đào Vũ Việt – Giám đốc Sở Xây dựng, đồng chí Đào Trọng Quy – Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường cùng một số ngành cấp tỉnh; Phía huyện Hoằng Hoá có đồng chí Lê Xuân Thu – TUV – Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Đoàn Thị Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm – Phó Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các phòng, ngành chức năng của huyện; Điểm cầu 37 xã, thị trấn có Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, các phó Chủ tịch HĐND, UBND, Chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể, cán bộ công chức xã, thị trấn, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, phố.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Hoằng Hoá dự hội nghị
Theo Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 thì phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa, bao gồm 37 đơn vị hành chính (36 xã và 1 thị trấn), có diện tích 203,8km2, dự báo quy mô dân số toàn huyện đến năm 2030 là 283.918 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 141.959 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%; đến năm 2040 sẽ đạt khoảng 343.389 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 240.372 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%.
Đồng chí Đào Vũ Việt - Giám đốc Sở Xây dựng công bố quyết định số 1481QĐ-UBND
Theo đó, vùng huyện Hoằng Hoá có tính chất, chức năng là cửa ngõ quan trọng của vùng trung tâm đô thị thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn, đảm bảo chức năng hỗ trợ phát triển cho thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn; Là vùng phát triển về kinh tế biển, trong đó thế mạnh là phát triển dịch vụ thương mại, du lịch và thủy sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bản đồ quy hoạch vùng huyện Hoằng Hoá
Theo định hướng phát triển không gian vùng: Trên cơ sở tranh thủ, tận dụng sự phát triển lan tỏa của 2 vùng phát triển năng động của tỉnh (thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn) để phát triển các đô thị ở khu vực cửa ngõ phía Bắc, Phía Nam, Phía Đông và khu vực trung tâm; Hình thành các tuyến đường kết nối trung tâm xã trên cơ sở một số đoạn đã có và xây dựng mới một số đoạn để hoàn chỉnh kết nối giao thông toàn huyện; Ưu tiên kết nối khu vực trung tâm và hướng về phía Đông để phát triển khu vực ven biển, kiểm soát phát triển theo các giai đoạn; Hình thành tuyến hành lang cây xanh cách ly hai bên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam (tây Hoằng Hóa). Cây xanh cảnh quan, bảo tồn môi trường sinh thái khu vực ven sông Bút, sông Cung. Huyện Hoằng Hóa sẽ hình thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng 1 (vùng đồng) gồm 13 xã: Hoằng Xuân, Hoằng Phượng, Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Quý, Hoằng Phú, Hoằng Quỳ, Hoằng Cát, Hoằng Xuyên, Hoằng Sơn, Hoằng Trinh, Hoằng Trung, Hoằng Kim, nằm phía Tây Bắc sông Lạch Trường, xây dựng vùng này trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của huyện (lúa, rau màu an toàn....), phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (da giầy, may mặc...) nông nghiệp an toàn và công nghệ cao, thủy sản, chăn nuôi gia súc; Tiểu vùng 2 (vùng trung tâm) gồm 15 xã: Hoằng Đạt, Hoằng Hà, Hoằng Đạo, Hoằng Thắng, Hoằng Đồng, Hoằng Đức, Hoằng Thịnh, Hoằng Lộc, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Thái, Hoằng Thắng, Hoằng Lưu và thị trấn Bút Sơn, nằm giữa sông Cung và sông Lạch Trường đây là vùng trung tâm của huyện, hội đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, giao thông, hạ tầng thuận tiện cho phát triển, giao lưu kinh tế với các vùng lân cận. Xây dựng vùng này thành trung tâm hành chính của huyện. Đẩy mạnh việc mở rộng thị trấn, xây dựng khu thị trấn Bút Sơn, đô thị Thịnh Lộc và hoàn thiên cơ sở hạ tầng. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại tổng hợp; Tiểu vùng 3 (vùng ven biển) gồm 8 xã: Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, Hoằng Đông, Hoằng Yến, Hoằng Phong là những xã nằm ở phía Đông sông Cung: Phát triển mạnh du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; Là trung tâm dịch vụ thương mại; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Theo quy hoạch vùng, định hướng đến năm 2030, huyện Hoằng Hóa tập trung phát triển đô thị trên địa bàn huyện theo các tiêu chí đô thị loại IV, trong đó, ưu tiên phát triển 5 đô thị, dự báo dân số đô thị toàn huyện là 145.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%, nhu cầu đất xây dựng đô thị 2.000 – 2.200ha. Trong đó, đến năm 2025 hình thành 4 đô thị, gồm: thị trấn Bút Sơn, đô thị Hải Tiến, đô thị Phú Quý, đô thị Thịnh Lộc; Từ năm 2025 – 2030, hình thành thêm đô thị Thanh Ngọc, đến năm 2030, huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV; đến năm 2040, tiếp tục tập trung phát triển các đô thị trên địa bàn huyện, dự báo dân số đô thị toàn huyện là 240.372 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%. Toàn huyện đạt tiêu chí đô thị loại III; Định hướng sau năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070: Nâng cao các tiêu chí đô thị loại III, phấn đấu xây dựng huyện Hoằng Hóa trở thành thị xã.
Bàn giao hồ sơ Quyết định quy hoạch vùng huyện Hoằng Hoá
Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của các đại biểu, đại diện Sở Xây dựng đã bàn giao hồ sơ quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa đến năm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 cho UBND huyện Hoằng Hoá.
Đồng chí Lê Sỹ Nghiêm - Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá phát biểu giao nhiệm vụ
Phát biểu quán triệt, giao nhiệm vụ tại hội nghị, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm – Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá đã yêu cầu các phòng ngành chức năng, các xã, thị trấn công bố công khai, rộng rãi quyết định về quy hoạch xây dựng vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 để các tổ chức, cá nhân và nhân dân được biết, cùng giám sát và tham gia vào quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cấp uỷ - chính quyền các xã, thị trấn trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch chung của xã, thị trấn cần bám sát và đảm bảo theo quy hoạch vùng huyện Hoằng Hoá đã được phê duyệt tại quyết định 1481/QĐ – UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.