Đại diện các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đã "đặt hàng" các viện trường, nhà khoa học các giải pháp, công nghệ để giải quyết vấn đề quản lý quy hoạch-tài nguyên-xây dựng.
Một khu đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)
Dù các đơn vị đã triển khai các ứng dụng, giải pháp công nghệ phục vụ quản lý ngành, nhưng việc kết nối liên thông chưa thông suốt. Do vậy, cần nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ, các giải pháp kết nối liên thông trong quy hoạch-tài nguyên-xây dựng nhằm phục vụ tốt việc quản lý.
Đây là nội dung được trao đổi tại tọa đàm “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng - InnoBuild," do Sở Xây dựng phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/5.
Theo ông Phạm Kim Bằng, Phó trưởng phòng Phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng), hiện nay, nhiều sở, ngành đã triển khai Bản đồ địa chính GIS, phần mềm ứng dụng thông tin quy hoạch, phần mềm ứng dụng App SXD 247, ứng dụng trục tuyến và Quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của Ủy ban Nhân dân quận, huyện...
Tuy nhiên, các dữ liệu này chưa kết nối thông suốt với nhau. Do vậy, phải tìm ra giải pháp xây dựng phần mềm quy hoạch-tài nguyên-xây dựng cho toàn địa bàn thành phố theo hướng tích hợp các dữ liệu của ngành, phục vụ chung cho thành phố.
Ông Vũ Chí Kiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố), cho biết trước đây, một số quận, huyện đã triển khai bản đồ GIS riêng lẻ và đến nay, Sở cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu 2D GIS (hai chiều) phân khu về quy hoạch đất và giao thông trên địa bàn.
Với cơ sở dữ liệu 2D GIS cùng ứng dụng công nghệ trong đề án đô thị thông minh của thành phố (tích hợp, kết nối nhiều dữ liệu), việc phát triển cơ sở dữ liệu 3D GIS (ba chiều) trong thời gian tới sẽ nhanh hơn.
Tại tọa đàm, các chuyên gia và các đơn vị quản lý đã trao đổi thực trạng của các ngành hiện nay, nhất là những khó khăn trong quản lý. Thông qua đó, đại diện các sở, ngành cũng "đặt hàng" các viện trường, nhà khoa học các giải pháp, công nghệ để giải quyết vấn đề quản lý quy hoạch-tài nguyên-xây dựng và xử lý tình trạng dầu, mỡ gây tắc nghẽn, hư hỏng hệ thống thoát nước đô thị.
Ở lĩnh vực thoát nước đô thị, theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố, qua kết quả khảo sát, quan trắc và phân tích chất lượng nước thải của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, mức độ ô nhiễm dầu mỡ động thực vật lên đến từ 123mg/l đến 39.168mg/l, cao hơn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt gấp hàng chục đến hàng nghìn lần.
Theo ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố, dầu mỡ khi xả ra cống thoát nước sẽ bám dính, tích tụ và đóng khối trong đường ống, dẫn đến ăn mòn gây hư hỏng lớp bêtông trong lòng cống; gây tắc nghẽn cục bộ làm cản trở dòng chảy; phát sinh mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh… Do vậy, cần ứng dụng công nghệ, thiết bị để tách lọc dầu mỡ trước khi xả hệ thống thoát nước.
Liên quan vấn đề này, thạc sỹ Bùi Văn Trường (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đơn vị đã nghiên cứu, sáng tạo và thí điểm thiết bị tự động tách lọc dầu mỡ tại nguồn. Thiết bị này tích hợp cùng bộ phận điều khiển và cảm biến lưu lượng, vận hành tự động thông qua kết nối wifi hoặc 3G/4G.
Dữ liệu về lượng dầu mỡ thu gọm hằng ngày sẽ được gửi đến trung tâm dữ liệu để giúp các cơ quan quản lý kiểm soát lưu lượng xả thải của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống (thải nhiều dầu mỡ). Thiết bị này có thể ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở, giúp quản lý thuận lợi, đồng thời giúp bảo vệ môi trường và hệ thống cống thoát nước.
Vừa qua, Sở Xây dựng và Sở Khoa học và Công nghệ đã ký ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2020-2025 về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng với các vấn đề về quản lý hạ tầng kỹ thuật, đô thị và nhà ở, hoạt động xây dựng. Đây là đơn vị đầu tiên ký kết với Sở Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, phục vụ quản lý nhà nước và định hướng chiến lược phát triển ngành./.