Tăng cường công tác quản lý cát, sỏi, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (ảnh minh họa).
Để triển khai thực hiện nghị định trên, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm triển khai, thực hiện các quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ (bao gồm cát, sỏi ở suối, hồ gọi chung là lòng sông). Cụ thể như sau:
Tiến hành rà soát các dự án thuộc thẩm quyền quản lý có các hoạt động quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 2, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP đã được cơ quan nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền, đang triển khai thực hiện nhưng làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông, trên sông thì phải tạm dừng để rà soát, thực hiện việc đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP. Trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP thì phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Điều chỉnh bổ sung các quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh với các tỉnh; điều chỉnh bổ sung phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện việc rà soát, đề nghị điều chỉnh bổ sung khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản; phối hợp với Sở Giao thông vận tải – Xây dựng xây dựng nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông trong quy hoạch; tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông; kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông; tham mưu đánh giá việc tác động tới lòng, bờ, bãi sông; tham mưu việc thẩm định nội dung đánh giá tác động lới lòng, bờ, bãi sông…
Sở Giao thông vận tải – Xây dựng: Chủ trì tham mưu, xây dựng nội dung quan lý, thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông trong quy hoạch; hướng dẫn việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng làm vật liệu xây dựng; tham mưu, hướng dẫn cụ thể các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản về trình tự, thủ tục hồ sơ: Lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế mỏ…; tham mưu cho UBND tỉnh, các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hệ thống bến, bãi; thanh tra, kiểm tra, giám sát khối lượng cát, sỏi thu hồi trong quá trình duy tu, nạo vét các tuyến luồng đường thủy nội địa (nếu có).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xác định các biện pháp, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước; tham mưu xác định phạm vi, quy mô, ranh giới các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi; chỉnh trị dòng sông thuộc trách nhiệm quản lý của tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư lập hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông.
Sở Tài chính: Chủ trì tham mưu tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước đường thủy nội địa; nạo vét lòng hồ thủy điện.
Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp; chủ trì thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Cục Thuế tỉnh: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông; xử lý tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi lòng sông tại các công trình, dự án; phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra việc xác định sản lượng cát, sỏi lòng sông đã kê khai nộp thuế và sản lượng thực tế; đôn đốc và thực hiện thu thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Công an tỉnh: Đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy, cảnh sát môi trường phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính; ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; xử lý vi phạm theo thẩm quyền; tổ chức các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông trên địa bàn quản lý. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước chủ tịch UBND cấp huyện về công tác quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi: Triển khai thực hiện dự án khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi theo đúng quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP. Đối với các giấy phép khai thác cát, sỏi đã được cấp trước ngày 10/4/2020: Để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân trong khu vực khai thác, yêu cầu chỉ được phép hoạt động khai thác trong khoảng thời gian từ 7 – 11 giờ 30 và 13 giờ - 17 giờ; tập trung khai thác trong mùa khô, hạn chế khai thác trong mùa mưa; không khai thác khi mưa, lũ để đảm bảo an toàn lao động. Dự án của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 2 phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 14; hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông và trên bãi sông phải đáp ứng yêu cầu theo khoản 1 và khoản 2, Điều 15; hoạt động khai thác trong lòng hồ (hồ chứa thủy điện, thủy lợi) đảm bảo theo quy định tại Điều 16. Tiến hành đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi song theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 20.