Vân Đồn - Động lực mới cho phát triển kinh tế vùng Đông Bắc

Thứ hai, 25/05/2020 14:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong tương lai gần, Vân Đồn sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.

Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. (Ảnh: TTXVN phát)

Với những tiềm năng, cơ hội phát triển đặc biệt, từ năm 2007, Khu Kinh tế Vân Đồn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển.

Đây là Khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang - một vành đai” kinh tế Việt-Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN-Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Toàn bộ diện tích khu kinh tế nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn.

Khi quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển Vân Đồn, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.

Với cảng hàng không quốc tế và cao tốc nối Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái cũng như cơ chế chính sách đặc thù, hiện Vân Đồn đã cơ bản hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm của sự phát triển của Quảng Ninh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Cùng với Hạ Long, Vân Đồn là đôi cánh vững chắc để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.

Sức bật mới cho Vân Đồn

Năm 2009, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định 1296/QĐ-TTg ngày 19/8.

Theo quy hoạch, Vân Đồn là khu kinh tế tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh và vùng Duyên hải Bắc Bộ; là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ, đảo Hải Nam và các thành phố phía Đông Trung Quốc; là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đầu tự hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.

Bám sát định hướng phát triển này, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và hoàn thành việc xây dựng Vân Đồn đến năm 2050 là: “một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã rất linh hoạt, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện quy hoạch, tạo bước phát triển mới, nhất là trong việc huy động nguồn lực để triển khai các dự án động lực, tạo nền cho sự phát triển của Vân Đồn.

Tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa có điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển-đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp và là cửa ngõ giao thương quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức phân bố dân cư, phân bố đô thị, phân bố không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Vân Đồn.
 
Việc phát triển Khu kinh tế Vân Đồn mang tính đột phá, tập trung vào các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh, mang lại lợi ích kinh tế-xã hội.
 
Cùng với đó là sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, với giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại.
 
Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 17/02/2020 với nhiều điểm mới so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó hơn 10 năm (năm 2009).
 
Đó là đã cập nhật các dự án động lực gồm sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số có sự thay đổi với giai đoạn 2030 là 140.000-200.000 người, giai đoạn 2040 là 300.000-500.000 người.
 
Định hướng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm: Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).

So với quy hoạch cũ, định hướng phát triển không gian mới của Vân Đồn ngoài khu vực đảo Cái Bầu thì ở khu vực quần đảo Vân Hải được nghiên cứu và tối đa các giá trị sinh thái đặc hữu để tạo ra giá trị khác biệt cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đã đáp ứng yêu cầu phát triển Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.

 

Người dân xem đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Mới đây nhất, Chính phủ cũng cho phép tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; trong đó Trưởng Ban quản lý là một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu kinh tế Vân Đồn theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý đầu mối quản lý nhà nước về Khu Kinh tế Vân Đồn, đầu mối chính nghiên cứu, tham mưu, bám sát hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại Khu kinh tế Vân Đồn nhanh và bền vững, dựa trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến; phát huy nội lực và thu hút ngoại lực.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Tính từ năm 2012 đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã huy động, thu hút được gần 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn.

Trong số đó, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 17.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư (gồm: ngân sách Trung ương 2.050 tỷ đồng, chiếm 3,6%, ngân sách địa phương 15.250 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư); đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 40.300 tỷ đồng, chiếm 70% (chủ yếu bằng hình thức đầu tư PPP). 

Việc đầu tư chủ yếu tập trung cho các công trình hạ tầng kỹ thuật động lực như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4 E, đường cất hạ cánh dài 3,6km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, khánh thành vào ngày 30/12/2018; đến nay đã đón gần 2,2 vạn lượt khách; dự án tuyến đường trục chính từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn dài 15km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng; đã hoàn thành các tuyến đường nội khu: tuyến đường trục chính nối từ đường 334 đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn dài 7km, tổng mức đầu tư 687 tỷ đồng; tuyến đường từ khu tái định cư xã Vạn Yên đến khu công viên phức hợp phía đông Đảo Cái Bầu dài 8,7km, tổng mức đầu tư 430 tỷ đồng.

Cảng nước sâu Hòn Nét-Con Ong (cảng du lịch và hàng hóa tổng hợp) đang được các nhà đầu tư nghiên cứu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư.

Nhiều công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác đã được đầu tư đồng bộ trong giai đoạn này như: hàn thành hệ thống cấp điện ra các xã đảo của huyện Vân Đồn; triển khai đầu tư nguồn cung cấp nước và hệ thống xử lý nước sạch (dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng, hệ thống xử lý và cấp nước từ hồ Khe Mai); đầu tư các công trình viễn thông, thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu phát triển của Vân Đồn.

Từ việc đầu tư có tính chất chiến lược nêu trên, với sức hấp dẫn đặc biệt về địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khác biệt..., tính đến nay, trên địa bàn Vân Đồn đã có 54 dự án ngoài vốn ngân sách còn hiệu lực (vốn đăng ký đầu tư 14,39 triệu USD và 23.726,6 tỷ đồng).

Nhiều nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam đã có mặt và triển khai các dự án lớn tại Vân Đồn như Tập đoàn Sungroup đã đầu tư các dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, dự án cáo tốc Hạ Long-Vân Đồn; Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn I; dự án khu dịch vụ phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại KKT Vân Đồn... Tổng vốn đăng ký của các dự án khoảng 72.000 tỷ đồng;

Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; dự án Khu Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO; quần thể dự án sân Golf, khách sạn 5 sao, khu nghĩ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên do CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đầu tư; Dự án Khu đô thị Ao Tiên...

Đến nay, tại Khu kinh tế Vân Đồn ngoài dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác, các dự án còn lại đang được các nhà đầu tư vào cuộc triển khai một cách tích cực.

Tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác san nền, đầu tư xây dựng các hạng mục; trong đó đã hoàn thành 98% khối lượng thi công gần 200 căn shop house mang tên Singapore Shoptel, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng từ cuối quý 2/2020.

Theo chủ đầu tư, hiện các hạng mục đang được đẩy mạnh thi công. Cụ thể, đã hoàn thành 192 căn Singapore shoptel, thi công hạ tầng kỹ thuật, bãi tắm dài 2km và đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Singapore shoptel; hoàn thiện thủ tục đầu tư khách sạn 5 sao công suất 1.000 phòng với 3 thương hiệu Pullman, Novotel, IBis do Tập đoàn Accor quản lý...

Dự kiến khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Tập đoàn CEO tiếp tục triển khai đầu tư khách sạn 1.000 phòng, với tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ở khu vực liền kề, tạo nên sự kết nối đồng bộ, với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách nội địa và quốc tế.

Công ty cổ phần Viglacera Vân Hải cũng đang tập trung đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải tại xã Quan Lạn.

Hiện đã có 37 căn villa theo tiêu chuẩn quốc tế được đầu tư xây dựng, với khối lượng hoàn thành đạt khoảng 85%, dự kiến sẽ đưa vào khai thác, đón khách du lịch trong cuối tháng 9/2020.

Quảng Ninh tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án: Khu công nghiệp Y-Dược công nghệ cao; Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; du lịch sinh thái tại xã đảo Ngọc Vừng; Khu dân cư đô thị Ocean Park; Quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Ao Tiên…

Tỉnh cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đối với những dự án có tầm nhìn chiến lược, có trọng tâm trọng điểm, tạo sức bật cho các dự án khác như Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino; đường trục chính khu đô thị Cái Rồng; đường nối sân bay với khu phức hợp nghỉ dưỡng Vân Đồn…

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh hiện đang tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phù hợp với Quyết định số 266 ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)