Huyện Ea H’leo (Đắk Lắk): 40 năm xây dựng và phát triển

Thứ tư, 08/04/2020 11:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Huyện Ea H’Leo nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đắk Lắk,cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 80 km, được thành lập theo Quyết định Số 110/QĐ-HĐBT, ngày 03/04/1980 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), trên cơ sở tách ra từ huyện Krông Búk, gồm 4 xã là: Ea Khal, Ea Sol, Ea H’Leo, Dliê Yang và khu vực Tổng đội thanh niên xung phong Nghĩa Bình xây dựng vùng kinh tế mới Thuần Mẫn, Đắk Lắk. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới, tạo điều kiện và cơ hội để huyện Ea H’Leo vươn lên phát triển. Trải qua 40 xây dựng và trưởng thành, với nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân, với bản lĩnh, trí tuệ và nhạy bén nắm bắt cơ hội, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng huyện Ea H’Leo đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân, động lực phát triển vùng kinh tế phía bắc của tỉnh Đắk Lắk.

Công trình điện gió ở huyện Ea H'leo. Ảnh: H. Gia

Hiện nay, huyện Ea H’Leo có diện tích tự nhiên 133.409 ha, dân số trên 137.000 người, với 29 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 42%. Toàn huyện có 11 xã và 01 thị trấn với 197 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 53 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Huyện Ea H’Leo là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú; có thế mạnh về tài nguyên đất, rừng, khoáng sản… Đặc biệt, có quần thể thủy tùng (thông nước, loài cây có từ thời tiền sử) tại xã Ea Răl, huyện Ea H’Leo còn duy nhất trên thế giới, có tiềm năng về năng lượng tái tái tạo. Hiện nay đã xây dựngkhu trang trại Phong điện Tây Nguyên và dự án Điện Năng lượng Mặt trời đang được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển ngành công nghiệp mới gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, Huyện Ea H’Leo còn có ưu thế thuận lợi về giao thông, có 42 km đường Hồ Chí Minh đi qua huyện và Tỉnh lộ 15 nối các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai và phía Tây tỉnh Phú Yên, đường liên huyện Ea H’Leo – Ea Súp – biên giới Việt Nam- Cam Pu Chia nên thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế, văn hóa.

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk, huyện Ea H’Leo đã quán triệt, vận dụng, thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bám sát thực tiễn, luôn tìm tòi, sáng tạo để thúc đẩy sản xuất. Vượt qua những khó khăn trong những năm đầu thành lập huyện (1980-1986), Đảng bộ và Nhân dân huyện Ea H’Leo đã giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị - xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. Bằng ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy sức sáng tạo của Nhân dân, cách làm mới trên nhiều lĩnh vực, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân; môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư cho sự phát triển của huyện.

Kinh tế trước thời kỳ đổi mới (1980-1986), tập trung sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, ổn định tổ chức sản xuất, hợp tác xã, phát triển lâm nghiệp. Sau thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1986- 2010), lấy nông nghiệp là thế mạnh kinh tế chủ yếu, trên cơ sở các Chương trình, Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện về phát triển kinh tế-xã hội; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, trong thời gian qua cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp lâu năm như: Cà phê, Cao su, Hồ tiêu… đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống nông dân. Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương và theo cơ chế thị trường, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thông qua giá trị, lợi nhuận là yêu cầu cấp bách trong thời gian tới. Tập trung lựa chọn những cây trồng, vật nuôi thích hợp với địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trên cơ sở gắn với chế biến đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện.
Bước sang giai đoạn hiện nay (2010 – 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn duy trì ở mức trên 10%/năm. GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, từ khoảng 423 USD (giai đoạn 1996-2005), đến năm 2020 là 2.130 USD. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến năm 2020, tỷ trọng thương mại - dịch vụ đã chiếm 25,80% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm 26,64%, nông, lâm, thuỷ sản chiếm 47,57%.

Đại diện lãnh đạo huyện Ea H’Leo và Quân đoàn 3 đón nhận Bằng công nhận di tích cấp tỉnh (Ảnh :Tuấn Hải)

Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị có nhiều tiến bộ rõ rệt. Quá trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn với quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã làm cho diện mạo huyện Ea H’Leo có nhiều thay đổi, phát triển vượt bậc, huyện đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế, các cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục đường giao thông thuận lợi, đường vành đai. Khu Trung tâm hành chính, văn hoá, thể dục - thể thao tại thị trấn Ea Drăng đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với diện tích 30 ha. Việc nhận thức đúng và làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã tạo tiền đề để huyện phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa - xã hội và cải thiện dân sinh. Hiện nay, thị trấn Ea Drăng đã được Bộ Xây Dựng công nhận là Đô thị loại 4.

Các kỹ sư kiểm tra hệ thống điều khiển phát điện Trang trại phong điện Tây Nguyên (ảnh : Minh Thông)

Lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng có bước tiến vượt bậc. Cùng với thành quả phát triển kinh tế, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo, thu nhập từng bước được nâng lên. Đến cuối năm 2020, số hộ nghèo chỉ còn chiếm 4,4% dân số toàn huyện. Công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng quan tâm, 100% các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, huyện đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học và đến cuối năm 2020 có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia.Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả cao. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên; các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… đều mang lại kết quả thiết thực.

Có được những kết quả đó chính là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, thường xuyên của Đảng bộ, Chính quyền huyện trong 40 năm qua; sự đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã có sự hy sinh, vất vả đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp cách mạng để xây dựng huyện nhà phát triển như ngày hôm nay, đặc biệt là sau 34 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nhận thức sâu sắc, đổi mới tư duy của Đảng bộ và Nhân dân huyện Ea H’Leo về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của Nhà nước và thị trường đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể trong nền kinh tế thị trường phát huy năng lực, lợi thế. Sản xuất hàng hóa, kinh tế nhiều thành phần và vận hành theo cơ chế thị trường là động lực chính thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong suốt 40 năm qua. Trong thời gian tới, Đảng bộ, Chính quyền huyện mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 10 đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Diện mạo đô thị huyện Ea H’leo đang dần đổi thay

Để khai thác hết tiềm năng, lợi thế và xây dựng huyện Ea H’Leo thành vùng kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, chúng ta cần phải xác định mục tiêu: Kinh tế Nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn này, nhưng cơ cấu lại trong nội bộ ngành giữa trồng trọt và chăn nuôi cho hợp lý, đảm bảo tính bền vững. Tâp trung sản xuất Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn Vietgap; tiêu chuẩn Oganic. Áp dung khoa học, công nghệ vào sản xuất và chế biến. Chuyển hình thức sản xuất nông hộ đang phổ biến hiện nay sang hình thức tổ chức sản xuất Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoặc Doanh nghiệp. Liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Quy hoạch lại quỹ đất Nông, Lâm nghiệp trên địa bàn thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng để thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bảo vệ nghiêm nghặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, giành quỹ đất thích hợp để trồng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn. Quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung và khuyến khích chăn nuôi theo mô hình nông trại; gắn trồng trọt và chăn nuôi hợp lý để bổ trợ lẫn nhau. Kêu gọi đầu tư, ưu tiên ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp Năng lượng tái tạo; một số trung tâm thương mại; các chợ xã đạt chuẩn chợ Nông thôn mới. Khuyến khích các loại hình dịch vụ phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân và tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Phát huy truyền thống huyện Anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân huyện Ea H’Leo quyết tâm đoàn kết, xây dựng huyện Ea H’Leo ngày càng phát triển vững mạnhtoàn diện và bền vững,tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư để xây dựng huyện Ea H’Leo trở thành vùng kinh tế phát triển năng động của tỉnh Đắk Lắk./.

Lê Thăng Long- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Nguồn: Daklak.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)