Với mục tiêu đến năm 2020, có 100% dân số nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch, thời gian qua, thành phố đã tập trung phát triển mạng lưới cấp nước. Đến nay, 75% dân số nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước sạch. Tuy vậy, mô hình quản lý, vận hành các trạm cấp nước tập trung ở nông thôn đã bộc lộ những hạn chế, cần sớm được khắc phục, từ đó nâng cao hiệu quả công trình cấp nước sạch tập trung...
75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch
Thời gian qua, nhờ khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, hiện, trên địa bàn nông thôn thành phố có 90 công trình cấp nước nông thôn hoạt động ổn định với công suất thiết kế từ 100 - 4.000m3/ngày đêm. Tổng công suất thiết kế của các công trình cấp nước tập trung nông thôn khoảng 76.000m3/ngày đêm. Tổng công suất hoạt động thực tế của các công trình cấp nước tập trung khoảng 53.550 m3/ngày đêm. Hiệu suất hoạt động trung bình của tất cả các công trình đạt khoảng 70% so với công suất thiết kế của các công trình.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân, thành phố đã giao các nhà đầu tư triển khai 11 dự án phát triển nguồn tập trung, trong đó có 4 dự án đã hoàn thành, 5 dự án đang thực hiện. Cùng với đó, UBND thành phố đã giao các nhà đầu tư triển khai 23 dự án xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước, trong đó, có dự án hoàn thành và cơ bản hoàn thành đưa vào cấp nước cho nhân dân hoặc đang trong quá trình triển khai đầu tư. Nhờ quan tâm đầu tư, đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn Hà Nội được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó, có 75% dân số được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Sau đầu tư, các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn được giao cho các tổ chức quản lý, vận hành, khai thác dịch vụ cấp nước sạch. Qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 4 dạng mô hình quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đó là: Cộng đồng quản lý; hợp tác xã quản lý; UBND các xã quản lý và doanh nghiệp quản lý. Trong đó, mô hình cộng đồng quản lý công trình cấp nước có 4/4 công trình cấp nước đang hoạt động. Mô hình hợp tác xã quản lý công trình cấp nước có 17/22 công trình cấp nước đang hoạt động. Mô hình UBND xã quản lý công trình cấp nước có 24/44 công trình cấp nước đang hoạt động. Mô hình doanh nghiệp quản lý công trình cấp nước có 39/43 công trình cấp nước đang hoạt động. Ngoài ra, ở khu vực ngoại thành còn có 6 công trình cấp nước đang hoạt động. Các mô hình này đã và đang hoạt động có hiệu quả và tiến dần đến các mô hình bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị.
Hướng đến quản lý, sử dụng bền vững
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, bên cạnh những mặt ưu việt, một số mô hình quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn đã bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong đó, mô hình cộng đồng quản lý công trình cấp nước có 3/4 công trình cấp nước đang hoạt động kém bền vững ở huyện Ba Vì và Chương Mỹ. Nguyên nhân là do cán bộ quản lý vận hành công trình không được đào tạo về chuyên môn, đội ngũ quản lý vận hành không phải chịu trách nhiệm bảo toàn tài sản nhà nước đã đầu tư. Mặt khác, giá bán nước rẻ (thông thường tiền thu từ việc bán nước chỉ để chi trả tiền điện và một phần tiền công vận hành) dẫn đến các công trình cấp nước không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.
Tương tự, mô hình hợp tác xã quản lý có 17/22 công trình cấp nước đang hoạt động, trong đó, có 5 công trình hoạt động kém bền vững, 10 công trình hoạt động tương đối bền vững. Nguyên nhân các công trình hoạt động tương đối bền vững là do các công trình cấp nước đã được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay công trình đã bị xuống cấp, chưa được đầu tư, nâng cấp. Mặt khác, cán bộ quản lý vận hành công trình không được đào tạo về chuyên môn, đội ngũ quản lý vận hành không phải chịu trách nhiệm bảo toàn tài sản nhà nước đã đầu tư. Còn mô hình UBND xã quản lý có 24/44 công trình cấp nước đang hoạt động, trong đó, 16 công trình hoạt động kém bền vững, 8 công trình hoạt động tương đối bền vững. Nguyên nhân là do bộ máy quản lý của các công trình cấp nước còn yếu kém, đội ngũ cán bộ quản lý chưa được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến thất thoát, thất thu trong kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng công trình và hiệu quả sản xuất của các công trình cấp nước…
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch tập trung, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy tối đa công suất của các công trình được đầu tư. Theo đó, cùng với tăng cường công tác quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn không hiệu quả, cần nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý vận hành công trình cấp nước; cần có chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp, chi trả tiền công cho cán bộ vận hành. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức và hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường và các công trình cấp nước; cao nhận thức cho nhân dân trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm, vai trò và tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch trong cuộc sống hằng ngày…