45 năm qua, vùng đất Khánh Hòa ngày càng tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Cách đây tròn 45 năm, ngày 2/4/1975, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được giải phóng. 45 năm trôi qua, đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã vươn lên trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế - xã hội. Công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc đời sống đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi luôn được địa phương quan tâm thường xuyên.
Khu tái định cư cho đồng bào Raglay ở vùng chiến khu xưa, huyện miền núi Khánh Sơn
Tháng 3/1975, sau chiến thắng vang dội trên chiến trường Tây Nguyên, từ Đắk Lắk, đoàn quân giải phóng theo Đường 21 tiến về đô thị, vùng biển. Đại tá Nguyễn Quang Lâm, năm nay đã 86 tuổi, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 vẫn nhớ như in những trận đánh năm xưa mà ông trực tiếp chỉ huy.
Ông kể, ngày 1/4/1975, sau 3 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Sư đoàn 10 đã phá được cánh cổng thép trên đèo Phượng Hoàng, mở toang cánh cửa để quân chủ lực tiến về vùng đồng bằng duyên hải. Toàn bộ lực lượng của địch ở Nha Trang rơi vào hoảng loạn, không còn tinh thần chiến đấu. Quân ta vừa hành quân, vừa tiêu diệt các ổ địch kháng cự.
Đại tá Nguyễn Xuân Lâm nhớ lại, sáng 2/4/1975, Sư đoàn 10 tiến vào thị xã Ninh Hòa, đến chiều thì đoàn quân giải phóng đã tiến về giải phóng thành phố Nha Trang.
“Về Nha Trang thì lực lượng của địch chủ yếu bị hội chứng thua trận, hoang mang cực độ, sức chống đỡ không có. Vì vậy, đỡ gây tổn thất cho cả 2 bên và thành phố không đổ nát. Chiều 2/4/1975, chúng tôi gặp lực lượng vũ trang địa phương tại đường Trần Quý Cáp, hai bên gặp nhau, nhận ra nhau và gặp dân ra chào đón hết sức niềm nở" - Đại tá Nguyễn Xuân Lâm kể lại.
Đến ngày 3/4/1975, toàn bộ phần đất liền đồng bằng và ven biển của tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng. Và cũng từ tháng 4/1975, quân ta đã khẩn trương giải phóng quần đảo Trường Sa.
Nha Trang đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng.
Ngày đầu quê hương được giải phóng, tỉnh Khánh Hòa đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, thành phố Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung đã khẳng định vị thế của một đô thị lớn ở khu vực miền Trung.
Ông Nguyễn Sỹ Ngữ, người dân thành phố Nha Trang nhớ lại, khi ông mới vào Nha Trang rất hoang sơ, dân thưa thớt, nhưng hiện nay tất cả các khu vực đều được xây dựng nhà cao tầng. Đường sá được củng cố và phát triển, trong đó có nhiều con đường mới có tính chất lịch sử như đường Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Cây sầu riêng - một trái cây đặc sản mới được hình thành tại huyện miền núi Khánh Sơn.
45 năm qua, vùng đất Khánh Hòa ngày càng tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Xác định phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp; tỉnh Khánh Hòa tập trung thực hiện 4 chương trình lớn. Đó là: phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống đô thị; phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm: thành phố Nha Trang, khu kinh tế Vân Phong, khu vực vịnh Cam Ranh.
Điều đáng mừng là nguồn thu ngân sách địa phương ngày một tăng nhanh. Năm 2019, tổng thu ngân sách của tỉnh hơn 19.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 67 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với những năm đầu sau ngày giải phóng.
Sau 45 năm bộ mặt đô thị Nha Trang có nhiều thay đổi vượt bậc.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà khẳng định, Đại hội đảng các cấp trong tỉnh đang hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
“Trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương phải đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt phải giữ được môi trường ổn định. Có như vậy, kinh tế phát triển mà môi trường giữ vững. Các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống nhân dân ngày càng giàu có hơn, tạo nên diện mạo mới của quê hương Khánh Hòa" - ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết./.