Tăng cả lượng và chất
Kết thúc năm 2018, mặt hàng xi măng và clinker gặt hái thành công lớn ở lĩnh vực xuất khẩu khi chạm mức 1,2 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng 76% và sản lượng xuất khẩu tăng 55% so với năm 2017, đạt 31,6 triệu tấn. Không chỉ tăng về sản lượng mà giá xi măng xuất khẩu cũng tăng cao đáng kể. Giá clinker xuất khẩu vào cuối năm 2016 khoảng 28 - 29 USD/tấn, cuối năm 2017 nhích lên 38 - 38,5 USD/tấn nhưng năm 2018 vọt lên 44 USD/tấn. Đây là những con số ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh ngành xi măng vừa trải qua giai đoạn “dội cung, thiếu cầu”.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu vẫn đang thiên về sản phẩm clinker (nguyên liệu chính làm ra xi măng) nhiều hơn do các đối tác lớn của Việt Nam, dù có nhà máy nhưng thiếu hụt nguyên liệu. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn được xem là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn đang có chính sách cắt giảm sản lượng các ngành công nghiệp nặng (bao gồm sắt, thép, kính và xi măng). Công suất lắp đặt của Trung Quốc hiện tại là 1.484 triệu tấn/năm và với việc cắt giảm 10% trong năm 2018, đã tạo ra “khoảng trống” hơn 100 triệu tấn/năm cho các nước khác. Nhờ đó xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 9,8 triệu tấn, chiếm 31% sản lượng xuất khẩu ngành này.
Ngoài yếu tố “thiên thời địa lợi” như trên, ngành xi măng còn có “bảo bối” nhằm thúc đẩy sản lượng xuất khẩu là Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP; trong đó đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng có hiệu lực kể từ đầu năm 2018, đã giúp doanh nghiệp xi măng tăng hiệu quả xuất khẩu.
Mặc dù đang có khá nhiều lợi thế, song các chuyên gia trong ngành cũng đưa ra cảnh báo, xuất khẩu xi măng trong thời gian tới sẽ gặp những khó khăn cần giải quyết. Chẳng hạn việc Chính phủ Philippines đang điều tra áp thuế tự vệ lên xi măng Việt Nam. Đây là thị trường khá quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam với sản lượng cần nhập khẩu 6,6 triệu tấn/năm và giá trị hơn 300 triệu USD. Theo đó, để bảo vệ ngành xi măng nội địa, Philippines quyết định áp dụng mức thuế tạm thời đối với xi măng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, là 210 peso/tấn (khoảng 4 USD/tấn) để bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Philippines cho rằng, Việt Nam là nước có sản lượng và thị phần xuất khẩu lớn, đây là nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của Philippines thể hiện ở sự sụt giảm thị phần, doanh thu, lợi nhuận và giá bán.
Đáng chú ý, hiện nay một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines cũng đang đầu tư nhà máy xi măng. Trong khi đó, Philippines lại là nước nhập khẩu nhiều xi măng nhất của Việt Nam, nên khi Philippines đã có khả năng đầu tư thì việc nhập khẩu từ Việt Nam sẽ giảm đi. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu xi măng cho biết, hiện nay khách hàng mua sản phẩm ngày càng kỹ tính hơn, họ lựa chọn sản phẩm của các nhà máy có dây chuyền hiện đại. Còn sản phẩm của những dây chuyền cũ không xuất khẩu được, doanh nghiệp Việt chỉ bán trong nước. Tuy nhiên, việc bán trong nước cũng đang rất khó khăn do nguồn cung dư thừa và các doanh nghiệp cạnh tranh rất gay gắt.
Theo sát diễn biến thị trường
Bộ Xây dựng đánh giá, trong năm 2019, tình hình kinh tế cả nước vẫn còn khó khăn, nhưng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi đang được Chính phủ quan tâm, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhu cầu xây dựng của người dân còn nhiều nên việc tiêu thụ xi măng có thể tiếp tục khả quan. Dự kiến, sản lượng xi măng tiêu thụ toàn ngành năm 2019 đạt khoảng 98 - 99 triệu tấn, tăng 6% - 8% so với năm 2018, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 70 triệu tấn, xuất khẩu 29 - 30 triệu tấn. Năm nay, dự kiến có 2 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất xi măng cả nước lên con số 84 với tổng công suất đạt 101,74 triệu tấn. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung đưa ra nhận định, năm nay tình hình xi măng vẫn tốt, tăng trưởng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cũng giữ ở mức như năm 2018.
Nếu như nhận định của chúng ta đúng về vấn đề nhập khẩu của Trung Quốc thì việc này còn duy trì được. Bởi hiện nay, do giá xi măng Trung Quốc cao và vì những biện pháp về môi trường, một số nhà máy của Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu nên buộc phải đóng cửa. Hai nguyên nhân đó tác động với nhau, khiến nguồn cung ở Trung Quốc có thể bị hạn chế chút ít. Đây là điều kiện để các thương gia Trung Quốc tận dụng vì họ làm thương mại, thấy hàng ở đâu rẻ thì mua về bán. Vì vậy, sức cạnh tranh clinker ở Việt Nam cao lên và xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp diễn. Tôi tin rằng, tình hình xi măng năm 2019 vẫn ổn định, ông Nguyễn Quang Cung phân tích.
Nhưng ông Nguyễn Quang Cung cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xi măng Việt Nam không nên chủ quan mà phải chủ động trong sản xuất, kinh doanh và theo sát diễn biến của thị trường xi măng Trung Quốc cũng như thế giới để có kế hoạch xuất khẩu hợp lý, điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định, hoạch định chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, giá năng lượng, đặc biệt giá điện năm 2019 dự kiến tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào sản xuất tăng, nên bằng mọi cách phấn đấu giảm chi phí sản xuất, chi phí lưu thông nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Theo Sài Gòn giải phóng